Cá cảnh Việt Nam cần nhiều “cú hích”

Chưa có đánh giá về bài viết

Thị trường cá cảnh Việt Nam có bước phát triển trong khoảng 5 năm nay, song đang có dấu hiệu chững lại, vì thiếu sự quan tâm và cần nhiều nguồn lực mới để có thể biến Việt Nam thành một cường quốc cá cảnh.

“Thế giới phẳng” của cá cảnh

Nếu trước đây cá cảnh chủ yếu được người châu Á chơi với tư duy phong thủy cầu may thì nay người chơi cá cảnh có trên khắp thế giới, cá cảnh trở thành thị trường sôi động.

Hoạt động buôn bán thuộc ngành công nghiệp sinh vật biển trên thế giới khoảng 330 triệu USD/năm, trong đó khoảng 90% cá cảnh biển được đánh bắt trong tự nhiên. Philippines là cường quốc xuất khẩu cá cảnh biển, chiếm 43% lượng cá cảnh xuất khẩu toàn thế giới; Indonesia chiếm 26%. Mỹ là nước nhập khẩu cá cảnh biển, chiếm 69% thế giới; Anh chiếm 20%. Cá cảnh biển ở Việt Nam rất ít phát triển, dù Việt Nam có bờ biển dài và nhiều đảo, nhiều cá đẹp. Năm 2014, giá trị cá cảnh biển xuất khẩu qua sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 584.492 USD.

Các nước Đông Nam Á đang có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu cá cảnh. Singapore đã đạt doanh số 300 triệu USD; Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đạt doanh số 50 – 70 triệu USD/năm; Việt Nam đặt mục tiêu năm 2015 xuất khẩu đạt 30 – 40 triệu USD nhưng xem ra rất khó thực hiện, khi chủ yếu TP Hồ Chí Minh gánh vác trách nhiệm này.

cá cảnh việt nam

Nhiều loại cá cảnh giá trị cao được đưa vào nuôi – Ảnh: Trịnh Bộ

 

Thành phố Hồ Chí Minh vượt khó

Trước năm 1975, nghề chơi cá cảnh TP Hồ Chí Minh nổi tiếng trong khu vực và được biết đến nhiều trong các cuộc thi, hội chợ ở Đông Nam Á. Sau năm 1975, do kinh tế thị trường không phát triển nên vô tình đã tạo cơ hội cho nhiều nước vượt lên. Tuy vậy, trong một thập niên lại đây, TP Hồ Chí Minh đã khôi phục, phát triển nghề cá cảnh ngày càng rộng lớn.

Tổng cục Thủy sản đánh giá, TP Hồ Chí Minh sản xuất 96% cá giống của cả nước. Năm 2015, tính đến hết tháng 10, TP Hồ Chí Minh xuất khẩu 11.052.528 triệu con cá nước ngọt và 74.943 con cá nước mặn, đạt hơn 9,6 triệu USD.

Thạc sĩ  Lê Đức Liêm (Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam) cho rằng so với các nước trong khu vực thì xuất khẩu cá cảnh của Việt Nam “còn khá khiêm tốn”; cơ sở sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.

 

Chưa mặn mà

Thạc sĩ Lê Đức Liêm cho biết, ông đã tham gia quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp ở một số địa phương, thường không thấy có quy hoạch nào cho phát triển cá cảnh. Đây là điều đáng lo ngại, vì khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp thì sản xuất cá cảnh là một mũi nhọn nông nghiệp đô thị rất hiệu quả, đáng quan tâm. Ngay cả TP Cần Thơ, một trung tâm lớn, năm 2014 cũng chỉ có 7 cơ sở sản xuất và kinh doanh cá cảnh, sản lượng 10 triệu con/năm.

Tổng cục Thủy sản cho biết: TP Hồ Chí Minh mỗi năm sản xuất khoảng 100 triệu con cá cảnh giống, trong khi Đà Nẵng chỉ 2 triệu, Khánh Hòa 0,5 triệu… Hà Nội với trung tâm sản xuất cá giống Nghi Tàm, Nhật Tân nổi tiếng, nay cũng chỉ buôn bán chứ không còn tập trung nuôi cá giống, do không cạnh tranh được với giống ngoại nhập. Theo khảo sát tại Cần Thơ, một hộ sản xuất cá cảnh với 50 bể 10 m3 nước thì lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng/tháng, thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm, là mức thu nhập chấp nhận được đối với nông dân đô thị.

 

Cần chú ý cá cảnh nhiều hơn

Hội Nghề cá Việt Nam đề xuất: Cho phép các trung tâm nghiên cứu, khu công nghiệp cao chủ động nhập cá giống mới về lai tạo sản xuất phục vụ xuất khẩu; Nhà nước có chính sách khuyến khích người nuôi, kinh doanh cá cảnh; Miễn thuế giống cá cảnh. Ngoài ra, cần xúc tiến xây dựng thương hiệu cá cảnh Việt Nam. Riêng với TP Hồ Chí Minh, một số nhà nghiên cứu quy hoạch cho rằng nên mạnh dạn xây dựng chu vực chuyên sâu lai tạo sản xuất cá cảnh tại huyện Củ Chi. Xây dựng các mô hình sản xuất cả cảnh kết hợp du lịch để quảng bá thương hiệu cá cảnh Việt Nam.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, cho biết: thành phố đang rất quan tâm lĩnh vực cá cảnh; thời gian tới sẽ có đầu tư mạnh, trong đó có quảng bá thương hiệu cá cảnh TP Hồ Chí Minh đến nhiều nước trong khu vực.

Nhiều người nuôi cá cảnh nhận xét: So với trước 1975, hiện nay ngành cá cảnh Việt Nam phát triển hơn. Chúng ta đã xuất khẩu tới 32 quốc gia và xuất khẩu mạnh vào châu Âu (Trước kia, cá cảnh Sài Gòn chủ yếu xuất khẩu sang Hồng Kong, Singapore). Điều đó chứng tỏ ngành cá cảnh Việt Nam đang dần tạo vị thế trong làng cá cảnh thế giới và việc đầu tư phát triển là điều mà người nông dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trông đợi. Việc vươn từ tầm khu vực lên tầm thế giới chắc chắn đòi hỏi nhiều đầu tư và chiến lược dài hơi. Trong lúc này, nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã đổi mới công nghệ nuôi, thực hiện nuôi nhiều loại cá cảnh giá trị cao, đạt nhiều tiêu chuẩn khắt khe của các nhà nhập khẩu. Đây là những tín hiệu đáng mừng.

>> Cá cảnh TP Hồ Chí Minh đã xuất khẩu đến 32 quốc gia; trong đó 72,9% vào châu Âu, 14,7% vào Mỹ. Cá cảnh cũng xuất khẩu trong châu Á nhưng số lượng hạn chế (Nhật 2,7%, Singapore 7%). Thế mạnh của TP Hồ Chí Minh là xuất khẩu cá nước ngọt (chiếm 90%).

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!