Gấp rút quy hoạch lại sản xuất tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá tôm thương phẩm thấp đã kéo theo việc mua bán tôm giống bị chậm lại, gây nhiều khó khăn cho các đơn vị sản xuất giống. Cách nào để tháo gỡ bất cập này đang là câu hỏi mà nhiều địa phương trăn trở.

Giá thấp và tồn dư

Ninh Thuận đang được coi là thủ phủ sản xuất tôm giống trong nước, nhưng 9 tháng đầu năm 2015, 400 cơ sở sản xuất tôm giống tại đây chỉ cung ứng được 15.200 triệu con, đạt 60,8% kế hoạch năm. Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản cho biết, do giá bán tôm thấp nên nhiều cơ sở nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh không mặn mà mua giống thả nuôi. 

Hơn nữa, các cơ sở nuôi tôm miền Trung và miền Tây cũng không thấy động tĩnh gì đã kéo giá tôm giống giảm mạnh. So với năm 2014, giá bán tôm sú giống 90 – 95 đồng/con, nay còn 45 – 75 đồng/con. Với giống tôm thẻ chân trắng, cũng chỉ 40 – 80 đồng/con. Do đã cuối vụ nuôi tôm thương phẩm nên nhu cầu tôm giống thả nuôi chững lại, làm giá cả tiếp tục hạ. Hầu hết các cơ sở sản xuất giống hoạt động cầm chừng.

quy hoạch sản xuất tôm giống

Chất lượng tôm giống vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu – Ảnh: Nam Anh

UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc quản lý chất lượng giống tôm thẻ chân trắng ở đây thời gian qua có vấn đề. Nếu hộ nuôi tôm giống có nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch rõ ràng thì còn cơ may thành công, trong khi người dân lại dùng “tôm chợ” để thả nuôi. Quảng Nam chưa xây dựng được điểm xử lý tái kiểm dịch tôm giống khi có nghi ngờ về chất lượng, thủ tục giám sát chất lượng tôm giống vẫn chỉ nặng tính đối phó.

 

Nhất thiết phải quy hoạch

Để gỡ khó cho hoạt động sản xuất giống thủy sản nói chung, tôm giống nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, đối với sản xuất giống, tỉnh xác định đối tượng chủ lực là tôm sú và tôm chân trắng tại 2 khu vực sản xuất tập trung là An Hải (huyện Ninh Phước) và Nhơn Hải (huyện Ninh Hải). Chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng giống thủy sản để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, mở rộng khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải (huyện Ninh Phước) lên thành 357 ha. Tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực trong đầu tư, sắp xếp, bố trí các cơ sở sản xuất tôm giống theo quy hoạch, xóa bỏ dần các khu sản xuất giống không trong quy hoạch, không đủ điều kiện sản xuất.

Tại Bình Thuận, khó khăn hiện nay trong sản xuất tôm giống là diện tích nuôi tôm giống ngày càng hẹp, trong khi nhu cầu con giống ngày càng tăng; nguồn tôm bố mẹ phụ thuộc nhập khẩu nên giá cao. Các doanh nghiệp sản xuất tại địa phương mong tỉnh sớm hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất tôm giống tập trung, vùng nuôi công nghiệp. Theo đó, Bình Thuận đang triển khai khu quy hoạch nuôi tôm giống tại xã Chí Công (huyện Tuy Phong) diện tích 157 ha. Dự kiến, cuối năm 2015 hoàn thành quy hoạch nhưng triển khai cũng nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.

Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, doanh nghiệp cũng chủ động thực hiện. Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng nuôi tôm giống thẻ chân trắng. Hiện, Công ty có 7 cơ sở sản xuất tôm giống tiêu chuẩn công nghệ Mỹ, năng lực sản xuất 10 – 12 tỷ con giống/năm; 30 ao nuôi tôm thịt với diện tích 30 ha.

Cùng đó là các thương hiệu tôm giống hàng đầu khác như Tập đoàn Việt – Úc, C.P. Việt Nam, Grobest…; các đơn vị này cũng đang không ngừng áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo con giống sạch bệnh, chất lượng cao.

Còn tại Quảng Nam, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống đang là giải pháp mà tỉnh hướng tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, sau khi hoàn thành quy hoạch nuôi tôm dài hạn, tỉnh sẽ có cơ chế thiết thực thu hút doanh nghiệp uy tín vào đầu tư sản xuất tôm giống tại địa phương. Trước mắt, Sở NN&PTNT phải kêu gọi và quy tụ cả 37 cơ sở kinh doanh tôm giống trong tỉnh về tập trung đầu tư tại Khu hạ tầng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung, vừa hoàn thành tại thôn Phương Tân, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình.

Trước tình hình nuôi tôm ngày càng khó khăn, nhiều người cho rằng cần đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp cung ứng con giống, thuốc, thức ăn với các hộ nuôi, tạo thành chuỗi khép kín; từ đó mới phát huy được hiệu quả, giảm thiểu rủi ro…

>> Để đảm bảo sản xuất, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra chất lượng tôm bố mẹ; kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất giống, công bố các cơ sở sản xuất con giống không đạt chất lượng để người dân biết; tăng cường kiểm tra môi trường nguồn nước, ao nuôi…

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!