Các mô hình nuôi cá lăng nha được áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua góp phần mở ra hướng phát triển mới, vừa tận dụng tiềm năng cũng như hạn chế thủy sản thương phẩm bị ép giá.
Chủ động nuôi thương phẩm
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My tổ chức hội thảo nuôi cá lăng nha trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My). Hội thảo đã mở ra góc nhìn tương đối toàn diện về các mô hình nuôi cá lăng nha được triển khai từ tháng 6.2015 đến nay. Bà Lâm Thị Nguyệt (thôn 2, xã Trà Đốc, Bắc Trà My) nêu ý kiến: “Nuôi cá lăng nha trong lồng bè rất phù hợp với điều kiện tại hồ thủy điện Sông Tranh 2. Trong quá trình nuôi, cá lăng nha thích nghi tốt, sinh trưởng, phát triển ổn định, không xảy ra bệnh. Qua 6 tháng nuôi, tỷ lệ sống của cá là 70%, trọng lượng đạt gần 0,5kg/con, năng suất tương đương 20kg/m3. Mô hình đã cho thấy hiệu quả thu được là khả quan”. Tháng 6.2015, được sự hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn và vật tư nuôi cá, gia đình bà Nguyệt đầu tư nuôi 3.750 con cá lăng nha giống trong lồng nuôi có thể tích là 62,5m3. Đến cuối tháng 12.2015, gia đình bà Nguyệt thu hoạch được gần 1,2 tấn cá. Với giá cá lăng nha thương phẩm là 100 nghìn đồng/kg, gia đình bà Nguyệt bán được gần 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí khoảng 70 triệu đồng, gia đình lãi gần 50 triệu đồng.
Nuôi cá lăng nha ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 – Ảnh: N.Q.V
Có mức hỗ trợ bằng với gia đình bà Nguyệt từ Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Nam, hộ ông Nguyễn Ngọc Cảnh (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) đầu tư nuôi gần 4 nghìn con cá giống lăng nha trên tổng diện tích là 62,5m3 tại hồ thủy điện Sông Tranh 2 từ tháng 6.2015 đến nay. Theo tính toán của ông Cảnh, nhờ cá phát triển tốt đến thời điểm này, gia đình có thể thu được hơn một tấn cá. “Việc tiêu thụ cá lăng nha thương phẩm hoàn toàn chủ động với gia đình chúng tôi. Bởi vậy thay vì xuất bán vào thời điểm này, gia đình quyết định kéo dài thời gian nuôi để cá đạt trọng lượng tốt hơn” – ông Cảnh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hứa Viết Thịnh, cán bộ phụ trách mô hình nuôi cá lăng nha ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 của Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Nam cho biết, triển khai mô hình là nỗ lực lớn của ngành khuyến ngư để phát triển đối tượng nuôi thủy sản mới, tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn, qua đó chủ động trong việc tiêu thụ cá thương phẩm.
Nhân rộng mô hình
Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 với diện tích mặt nước rộng lớn là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng bè nói chung, nuôi cá lăng nha nói riêng. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, ngành nông nghiệp huyện sẽ tham mưu UBND huyện Bắc Trà My nhân rộng mô hình trong thời gian đến. Qua đó tạo việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, đồng thời từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành nghề nông nghiệp cho các hộ dân chịu mất đất bởi dự án thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, để phát triển mạnh đối tượng nuôi thủy sản mới này cần phải chủ động con giống. “Đến thời điểm này, tại Quảng Nam chưa sản xuất hay ương nuôi cá lăng nha trong khi đó người nuôi mua ở các tỉnh bạn thì quá xa, tốn kém vận chuyển, mất nhiều thời gian cá mới thích ứng được môi trường sống mới. Ngoài ra, cũng phải kể đến tỷ lệ cá hao hụt nhiều do vận chuyển quãng đường dài. Rất mong Sở NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam tìm cách nhân giống cá lăng nha, giúp người dân chủ động trong sản xuất” – ông Thiệu nói.
Được biết, huyện Bắc Trà My là địa phương thứ 3 trên toàn tỉnh triển khai mô hình nuôi cá lăng nha. Trước đó, mô hình này đã được thử nghiệm nuôi trên địa bàn các huyện Tiên Phước và Đại Lộc với kết quả khả quan. Tại hội thảo, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Nam đề nghị các địa phương có các diện tích nuôi thủy sản tổ chức cho bà con nông dân đi tham quan, học tập, triển khai thử nghiệm làm cơ sở phát triển rộng khắp mô hình nuôi cá lăng nha. Đây là đối tượng có thể tạo nên sự đa dạng của sản phẩm nuôi thủy sản, mang lại giá trị kinh tế cao. Khi triển khai, các địa phương cần có định hướng, quy hoạch cụ thể và gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững. Ngành khuyến ngư tỉnh cũng đề xuất với Sở NN&PTNT hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè ở các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh.
>> Ông Hứa Viết Thịnh khuyến cáo người nuôi cá lăng nha thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, kiểm tra lưới lồng nuôi để tránh hiện tượng cá thất thoát ra ngoài, không để môi trường nước bị ô nhiễm. Định kỳ hàng tuần treo túi vôi ở các góc lồng để phòng bệnh cho cá; trộn thêm vitamin C, thuốc bổ và thuốc phòng bệnh vào thức ăn; cung cấp đầy đủ ô xy cho cá… Khi cá đạt trọng lượng trung bình 0,5 kg/con có thể tiến hành thu hoạch. Người nuôi nên suy xét có thể nuôi tiếp, khi cá lăng nha đạt trọng lượng trên 1kg mới thu hoạch, cần xuất bán vào những ngày lễ, tết để tăng giá bán sản phẩm, nâng cao lợi nhuận. |