Sản phẩm thủy sản Việt Nam muốn có được vị thế vững chắc trên thị trường thế giới thì tất yếu phải chú trọng nâng cao chất lượng, kiểm soát kháng sinh, tạp chất và đảm bảo giá cả hợp lý. Đó là quan điểm của ông Michael Akester (ảnh), người đã nhiều năm gắn bó với ngành thủy sản Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất và xuất khẩu của thủy sản Việt Nam?
Ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh kể từ những ngày đầu DANIDA hỗ trợ Bộ Thủy sản những năm 1990. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản chất lượng ngày càng tăng do nhận thức về giá trị dinh dưỡng của người tiêu dùng được nâng lên, thể hiện ở mức tiêu thụ bình quân trên đầu người ngày càng tăng.
Nuôi trồng thủy sản của Việt Nam ngày càng phát triển bởi có nhiều lợi thế cạnh tranh như: Khí hậu tốt, lực lượng lao động trình độ cao, sự gia tăng các trại nuôi đạt tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.
Về khai thác, nhìn chung, ngành khai thác thủy sản trên toàn thế giới đang phải đối mặt với đe dọa kép: Đánh bắt quá mức và mất môi trường sống do ô nhiễm đất. Đồng quản lý nghề cá ở Việt Nam và Chứng nhận MSC (Hội đồng quản lý biển) sẽ giúp duy trì tính bền vững nghề khai thác thủy sản của Việt Nam thông qua Quản lý dựa trên hệ sinh thái (EBFM).
Còn về chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu thì sao, thưa ông?
Tôi nghĩ, chất lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam rất tốt. Tôi rất thích thủy sản của Việt Nam. Tôi có thể mua cá tra fillet đông lạnh ở Thủ đô Lima (Peru). Cá tra Việt Nam được bán ở Peru có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh với cá rô phi sản xuất nội địa.
Tôm, cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam. Theo ông, ngoài hai mặt hàng này, Việt Nam còn có tiềm năng xuất khẩu thêm loài nào?
Cá nhân tôi nghĩ rằng, Việt Nam nên tập trung vào các loài có giá trị kinh tế thấp như cá dìa (rabbit fish) và các sản phẩm giá trị gia tăng. Việt Nam cũng nên tìm hiểu về xuất khẩu cá cơm, nhất là cá cơm sấy khô của Quãng Ngãi, Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn đến các thị trường mới ở châu Âu, châu Mỹ. Cá cơm sấy khô có chất lượng tốt, vị ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Peru đã xuất khẩu cá cơm muối dùng chế biến bánh pizza nhưng chưa xuất khẩu cá cơm sấy khô.
Vừa qua, Việt Nam đã tham gia Hiệp định TPP, theo ông TPP có giúp thủy sản Việt Nam tháo gỡ được những rào cản khi thâm nhập vào các thị trường hay không?
Ngành thủy sản Việt Nam chắc chắn được hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế nhập khẩu hiện nay đối với các mặt hàng như tôm, mực và cá ngừ. Trung Quốc chưa tham gia TPP nên thủy sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn tại các thị trường trọng điểm, chẳng hạn như Mỹ khi phải cạnh tranh về giá với các nước đã ký TPP. Mỹ và các nước tham gia TPP đã đàm phán một quy tắc thương mại mới ngoài Hiệp định WTO và những thiết lập đa phương khác. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn của WTO về chất lượng sản phẩm vẫn cần phải được tôn trọng trong TPP. Chính vì thế, Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo xu hướng chất lượng, kiểm soát tạp chất và kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản.
Ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU… theo ông, những quốc gia nào sẽ là thị trường tiềm năng mà thủy sản Việt Nam nên hướng đến?
Với dân số 617 triệu, Mỹ La tinh nói chung, Brazil (205 triệu người) và Mexico (122 triệu người) nói riêng là những thị trường tiềm năng mà thủy sản Việt Nam nên hướng đến. Thông thường, những quốc gia này ăn nhiều thịt hơn cá. Cụ thể, mức tiêu thụ bình quân trên đầu người đối với thịt là 20 – 100 kg, trong khi đó đối với cá chỉ ở mức 2 – 30 kg. Tuy nhiên, xu hướng này đang có sự thay đổi nhanh chóng, nhu cầu tăng lên đối với cá và giảm đi đối với thịt.
Còn thị trường Peru thì sao thưa ông?
Việt Nam đã xuất khẩu cá tra sang Peru thành công. Peru sản xuất tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) như một loài bản địa. Người Peru thích cá biển thịt trắng (cá tra được bán như một loài thay thế). Các sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Peru, trong đó có cá tra, muốn thành công, điều quan trọng nhất đó là phải chú ý đến phương pháp bảo quản đông lạnh để tránh làm hỏng và mất khẩu vị của cá. Đồng thời, Việt Nam cũng nên chú trọng phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng để xuất khẩu sang Peru. Cá dìa cũng là loài được ưa chuộng ở đất nước này.
Ngành thủy sản Việt Nam nên có chiến lược gì để chinh phục thị trường thế giới?
Tiếp tục sản xuất các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý. Đồng thời, cũng cần tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để xác định loại sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của từng thị trường. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu tiềm năng xuất khẩu của cá cơm sấy khô như một món ăn bổ dưỡng, được đóng gói với bao bì hấp dẫn, có thể kết hợp với rong biển sấy khô.