Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bến Tre triển khai đem lại hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), được người dân địa phương nhân rộng.
Thích ứng BĐKH
Mô hình được thực nghiệm đầu tiên tại một số hộ ở ngoài vùng đê bao ngọt hóa ở ấp Xương Thới III, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, trong điều kiện môi trường nước có độ mặn dưới 5‰.
Với sự hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi, chuẩn bị ao, con giống tôm càng xanh, mỗi hộ tham gia thực nghiệm có diện tích bình quân 3.000 – 4.000 m2 mặt nước mương vườn dừa, được hỗ trợ con tôm, vôi cải tạo ao nuôi, xử lý nguồn nước, cách phát hiện và điều trị một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi. Kết quả, các hộ nuôi thu hoạch tôm càng xanh đạt mức bình quân 430 kg/ha, hộ cao nhất 837 kg/ha; lợi nhuận bình quân 47,3 triệu đồng/ha/năm. Trong quá trình thực nghiệm, ngành nông nghiệp địa phương còn hỗ trợ các hộ tham gia thành lập Tổ hợp tác để tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, làm đầu mối tiếp nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật, con giống.
Kết quả cho thấy, tôm càng xanh ít xảy ra dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, có thể thích ứng với môi trường nước xâm mặn dưới 5‰; trong khi, dừa sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao; trung bình 1 ha đất trồng dừa nuôi xen tôm càng xanh, thu hoạch đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Nhân rộng mô hình
Sau thời gian khởi động thử nghiệm tại huyện Thạnh Phú, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bến Tre đã triển khai dự án nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa, với quy mô lớn hơn, gắn với xây dựng Tổ hợp tác sản xuất, ở 4 xã Định Thủy, Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày Nam) và Lương Phú, Thuận Điền (huyện Giồng Trôm).
Kết quả, tỷ lệ sống trên 60%, tới kỳ thu hoạch tôm đạt cỡ 30 con/kg, năng suất bình quân 660 kg/ha.
Hiện, mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa đang tiếp tục được nhân rộng nhiều nơi, trở thành phong trào có tổ chức khá chặt chẽ gắn với sự ra đời của nhiều câu lạc bộ, tổ hợp tác.