Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám trong chuyến công tác tại Sóc Trăng mới đây.
Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, diễn biến thời tiết từ năm 2015 cho thấy tổng lượng mưa các nơi trong tỉnh chỉ đạt 55,9 – 92,5%. Bước vào đầu năm 2016, xâm nhập mặn sớm, theo các cửa sông Trần Đề, Mỹ Thanh lấn sâu vào đất liền, độ mặn 8 – 23‰, cao hơn những năm trước 5 – 7‰. Do tình trạng xâm nhập mặn, đến nay diện tích tôm nước lợ trong tỉnh thả nuôi chỉ hơn 2.500 ha.
Hiện, nhiều địa phương phát triển mô hình lúa – tôm càng xanh – Ảnh: Phan Thanh Cường
Tỉnh Sóc Trăng đã xuất kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi năm 2016 hơn 76 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương nạo vét, sửa chữa cấp bách các công trình chống hạn hán và xâm nhập mặn… Đồng thời, để chuẩn bị vụ nuôi năm 2016, Chi cục Thủy sản tỉnh đang theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và quan trắc môi trường nước ở vùng nuôi; phối hợp lấy ý kiến từ địa phương và người dân nuôi tôm có kinh nghiệm để xây dựng khung mùa vụ và đưa ra khuyến cáo lịch thả giống phù hợp.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tán, qua khảo sát thực tế một số vùng nuôi tôm, để hạn chế thiệt hại về diện tích và sản lượng tôm nuôi, Sóc Trăng cần phát huy thế mạnh và nhân rộng các mô hình nuôi tôm – lúa; lúa – tôm càng xanh; tạo giống thủy sản thích ứng với độ mặn hiện nay. Tỉnh cần có quỹ hỗ trợ để giúp đỡ các nông hộ áp dụng phương thức nuôi vèo; đồng thời cảnh báo và thông tin rộng rãi đến người dân, tìm cách trữ và đưa nước ngọt vào những vùng bị ảnh hưởng….