Từ ngày 4 – 8/4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Tổng cục Thủy sản chủ trì tổ chức cuộc họp Hội đồng Giám đốc Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) lần thứ 48. Tại cuộc họp, các đại biểu đại diện 10 nước thành viên ASEAN và Nhật Bản đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững.
Các đại biểu SEAFDEC lần thứ 48
Thủy sản chịu nhiều thách thức
Tại cuộc họp, Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong việc cung cấp lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 4 triệu lao động. Trong những năm qua, ngành đã đạt được những thành tựu đáng kể, tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt 6,55 triệu tấn, tăng 27,3%. Đến nay, thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ngành sản xuất thủy sản Việt Nam có quy mô nhỏ, đặc biệt nghề khai thác thủy sản còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro, năng suất, hiệu quả còn thấp, khả năng cạnh tranh còn yếu. Vì vậy, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, hướng đến một nghề cá hiện đại.
Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, mặc dù có bước phát triển đáng kể trong lĩnh vực thủy sản, nhưng địa phương vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể, các mô hình hoạt động thủy sản ở Khánh Hòa thiếu sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ khai thác, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ. Vì vậy, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, chất lượng sản phẩm giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Tuy là tỉnh có nhiều cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, nhưng hoạt động thu mua phần lớn thông qua hệ thống nậu vựa, hoặc đại lý nên các doanh nghiệp chế biến khó kiểm soát, truy xuất nguồn gốc đầu vào theo tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Để hạn chế tình trạng này, thời gian tới, Khánh Hòa sẽ xây dựng mô hình liên kết giữa các chủ thuyền theo đối tượng cùng nghề và cùng tự nguyện hợp tác gắn với chế biến. Từ đó, giúp ngư dân học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, cung cấp thông tin về ngư trường kịp thời, rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, tăng thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất…
Thu mua cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa – Ảnh: QĐ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định: “Sự biến đổi khí hậu khó lường, điều kiện thị trường bất ổn là những thách thức với ngư dân trên biển và nghề cá khu vực ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn và yêu cầu của quốc tế về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đã đặt ra cho Việt Nam nói riêng, các nước trong khu vực châu Á nói chung nhiều thách thức, khó khăn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của mình”.
Kêu gọi bảo vệ ngư dân
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã có gần 4.000 vụ tàu cá gặp nạn, với hơn 2.300 người chết, mất tích và bị thương. Trước tình hình đó, việc chống lại các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không kiểm soát và không báo cáo (IUU) trong khu vực cần phải tính đến các yếu tố về an toàn cho tàu cá và ngư dân khi khai thác trên biển.
Việt Nam đã và đang nỗ lực hợp tác với các nước trong khu vực xây dựng cơ chế đối thoại nhằm trao đổi thông tin, giải quyết các vụ việc liên quan đến ngư trường và tàu cá hoạt động trên các vùng biển của nhau trên tinh thần hợp tác, hữu nghị và đảm bảo an toàn cho ngư dân. Được biết, năm 2016 – 2017, Việt Nam là chủ tịch của SEAFDEC, đây là cơ hội để Việt Nam để kiểm soát, phát triển hoạt động nghề cá, chống đánh bắt bất hợp pháp.
“Các tàu cá ngư dân gặp nhiều rủi ro trên biển kể cả thiên tai và nhân tai. Vấn đề Trung Quốc tham vọng, có tác động đến ngư dân là nỗi lo, trăn trở của chúng ta. Mặt khác, nhận thức của ngư dân còn hạn chế đã vô tình hoặc cố ý khai thác thủy sản bất hợp pháp nên bị các nước bắt giữ xử lý. Do đó, chúng ta đã chủ động thiết lập đường dây nóng với Philippines và đang đàm phán với Thái Lan, Campuchia. Tới đây sẽ tiếp tục đàm phán với Malaysia, Indonesia… Qua đó, các nước có thể chủ động chia sẻ thông tin, tránh vi phạm vùng biển và bảo vệ ngư dân trước những rủi ro trên biển. Tại cuộc họp SEAFDEC lần này, Việt Nam đề nghị các nước phải quan tâm đến vấn đề rủi ro và những tai nạn đối với nghề cá và ngư dân trên các vùng biển để chia sẻ kinh nghiệm, có trách nhiệm với ngư dân trên tinh thần hợp tác hữu nghị và nhân đạo” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.
>> SEAFDEC lần thứ 48 đã thông qua khuyến nghị về chính sách đối với Hội chứng chết sớm (EMS) và các bệnh thủy sản truyền nhiễm xuyên biên giới; Kế hoạch chiến lược phát triển nguồn lợi trong khu vực Đông Nam Á; Hướng dẫn khu vực về hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, Hội đồng ủng hộ cách tiếp cận khu vực để đưa vào thực hiện “Hướng dẫn tự nguyện đảm bảo phát triển bền vững nghề cá quy mô nhỏ” nhằm đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo… |