Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tại Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra trước yêu cầu hội nhập quốc tế” diễn ra mới đây tại Đồng Tháp.
Hiện nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 20% thị phần. Tuy nhiên, ngành cá tra vẫn tồn tại nhiều thách thức như: ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, dư lượng thuốc kháng sinh, phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, liên kết chuỗi sản xuất còn yếu…
Sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới – Ảnh: An Đăng
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã chỉ ra những khó khăn trong phát triển sản phẩm cá tra hiện nay như: Việc Mỹ áp dụng đạo luật Farm Bill thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra còn yếu, liên kết chuỗi sản xuất chưa chặt chẽ, kiểm soát giá yếu tố đầu vào chưa ổn định…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, Tổng cục Thủy sản tiếp tục rà soát lại các văn bản, quy định, các cơ chế chính sách đề tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người nuôi phát triển sản xuất. Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các hội, hiệp hội ngành hàng tăng cường liên kết để bảo vệ quyền lợi của các thành viên.
Trước mắt, cần phối hợp và vận dụng các giải pháp ngoại giao để thúc đẩy Hạ viện Mỹ thông qua việc bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn của Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Thực hiện quy trình giám sát chặt chẽ các lô hàng cá tra xuất khẩu, hoàn thiện dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 36, xin ý kiến địa phương và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.