Thực tế đã cho thấy việc áp dụng khoa công nghệ tiến bộ trong nuôi tôm về rất nhiều khía cạnh từ phương thức canh tác, quy mô, kỹ thuật, thời gian nuôi, đối tượng, năng suất và chất lượng sản phẩm đã làm thay đổi bộ mặt ngành tôm. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của những người trong nghề.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Nuôi tôm VietGAP góp phần phát triển con tôm
Trong 5 năm từ 2011 – 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai và phối hợp thực hiện mô hình nuôi tôm theo VietGAP áp dụng khoa học công nghệ với diện tích 84 ha, tại hầu hết các tỉnh có diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ. Trong 2 năm 2014 – 2015, dự án nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng (TTCT) theo VietGAP đã xây dựng được 21 mô hình, quy mô 2 ha/mô hình đối với nuôi TTCT, 3 ha/mô hình đối với mô hình nuôi tôm sú. Năng suất tôm sú đạt từ 2,6 – 3 tấn/ha; TTCT 10,6 – 10,7 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 78 – 82% với tôm sú; TTCT là 77 – 79%. Nuôi tôm theo VietGAP đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua, góp phần vào việc khống chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản: Định hướng công nghệ cao
Hiện, cả nước có 681.254 ha nuôi tôm nước lợ với tổng sản lượng đạt 603.111 tấn. Phương thức nuôi đa dạng và có nhiều loại hình nuôi cùng tồn tại, như tôm – lúa, tôm – rừng… Những năm gần đây, công nghệ nuôi tiến bộ rất nhanh chóng, đã có nhiều công nghệ mới được áp dụng như công nghệ Biofloc, công nghệ nuôi siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi theo VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng khác…. Các công nghệ này đã được áp dụng và mang lại hiệu quả lớn, làm thay đổi bộ mặt của ngành tôm Việt Nam. Năng suất tôm nuôi tăng nhanh, có thể lên đến vài trăm tấn/ha. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường. Cùng với phát triển tôm sinh thái theo hướng ổn định, việc áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là định hướng phát triển ngành tôm trong thời gian tới.
Ông Sylvain Paul Lacladere, Giám đốc chi nhánh thuốc Thú y – Thủy sản Công ty TNHH Bayer VN: Bước nhảy của công nghệ nuôi tôm
Với sứ mệnh “Khoa học vì cuộc sống tốt đẹp hơn” sản phẩm của Bayer có chất lượng cao và được kiểm soát theo tiêu chuẩn của Tập đoàn và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường. Cho đến nay, Bayer đã giới thiệu nhiều sản phẩm có tính đột phá về công nghệ như PondDtox, AQUI-S, Coforta A, Hadaclean A… Trong đó, PandDtox là sản phẩm vi sinh độc đáo và cũng là sản phẩm duy nhất trên thị trường thế giới chứa Paracoccus pantotrophus trực tiếp xử lý khí độc H2S ở đáy ao. Vi khuẩn này phát triển nhanh trong vòng 24 giờ và lấy ôxy trực tiếp từ NO3– nên phù hợp với môi trường đáy ao nuôi ô nhiễm. Công cụ này sẽ giúp người nuôi giải quyết tận gốc nguyên nhân gây chết tôm một cách thầm lặng trong vài thập niên vừa qua. Cùng với đó, trong những năm qua, Bayer cũng đã tạo được quy trình phòng bệnh hoại tử gan tụy thành công, góp phần đẩy lùi dịch bệnh này ở nhiều khu vực nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên cả nước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung: Chuỗi công nghệ trong sản xuất tôm giống
Công nghệ mà Công ty đang áp dụng và mang lại hiệu quả trong sản xuất tôm giống gồm: Sử dụng tàu chở nước biển xa bờ; công nghệ vi sinh để quản lý môi trường nước ấu trùng nuôi; công nghệ nuôi vi tảo an toàn sinh học làm thức ăn cho ấu trùng; Áp dụng hệ thống bơm nhiệt tự động để quản lý nhiệt độ; công nghệ kỹ thuật Real time – PCR; công nghệ vận chuyển ôxy hở trong vận chuyển tôm giống.
Những công nghệ này giúp giúp ổn định nhiệt độ trong bể tôm bố mẹ và bể ương, ổn định kế hoạch sản xuất, không phụ thuộc vào thời tiết, tiết kiệm chi phí sản xuất. chủ động nguồn thức ăn. Tôm giống nâng cao hệ miễn dịch tự nhiên, nâng cao tỷ lệ sống và sức đề kháng, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, chuyển giai đoạn nhanh và đồng đều; tôm không bị nhiễm kháng sinh, tôm giống sạch bệnh. Đồng thời, có thể kiểm tra tất cả các loại bệnh trên tôm với kết quả nhanh và chính xác nhất, giúp ngăn ngừa dịch bệnh trong sản xuất đảm bảo chất lượng tôm giống đến tận ao nuôi; vượt qua những rào cản khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng cho xuất khẩu. Cùng với đó, tôm giống được vận chuyển số lượng nhiều hơn, tiết kiệm được chi phí sản xuất; đảm bảo các chỉ tiêu môi trường; đảm bảo chất lượng tôm giống đến tận ao nuôi.
Thạc sĩ Ngô Xuân Tuyến, Giám đốc điều hành Công ty Vinhthinh Biostadt Hatchery: Kiểm soát từng công đoạn
Tại Vinhthinh Biostadt Hatchery, quy trình sản xuất được kiểm soát theo từng công đoạn. Mỗi công đoạn có một hệ thống tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra riêng, giúp đánh giá cho sản phẩm được đi tiếp hay loại bỏ trên con đường đi đến sản phẩm cuối cùng là con giống. Tôm được ương hai pha, pha 1 từ Nauplii – PL nhỏ và sau đó chuyển qua ương pha 2 đến khi xuất bán. Ương 2 pha giúp áp dụng được nhiều hơn các giải pháp kiểm soát chính xác, cắt giảm các yếu tố rủi ro về bệnh và đảm bảo chất lượng. Công ty đảm bảo về chất lượng tôm giống và sạch mầm bệnh gây hội chứng chết sớm (AHPNS), vi bào tử trùng (EHP) gây chậm lớn, bện cạnh việc đảm bảo sạch các mầm bệnh virus nguy hiểm theo tiêu chuẩn quốc gia. Thức ăn cho ấu trùng và hậu ấu trùng, Công ty đã chọn lựa thức ăn từ Tập đoàn Zeigler (Mỹ), đáp ứng được các yêu cầu phù hợp về thành phần dinh dưỡng, dễ tiêu hóa hấp thu trong thời gian ngắn phù hợp cho ấu trùng tôm. Công ty cũng xây dựng một hệ thống sản xuất tảo tươi hoàn chỉnh, cung cấp 100% tảo tươi dinh dưỡng cao và sạch bệnh (mô hình tảo túi) cho tôm ương. Đồng thời áp dụng máy đếm tôm XpertCount2, một sản phẩm công nghệ mới từ XpertSea (Canada) có thể đếm được Nauplii, tảo, Artemia và ấu trùng và tôm giống xuất bán. Máy này giúp kiểm soát chính xác số lượng Nauplii thả ương, lượng tảo và lượng Artemia cho ăn, lượng tôm còn lại trong bể. Máy cũng giúp đếm chính xác lượng tôm, đo được chiều dài và độ đồng đều của đàn tôm đóng cho người nuôi.
Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư công nghệ Dr.BO: Thay đổi tư duy công nghệ
Ngành tôm Việt Nam đã và đang từng bước đạt được những thành tựu khoa học và công nghệ đáng khích lệ mang dấu ấn đặc thù với con người Việt Nam. Với điều kiện đất đai rộng, vốn đầu tư ít, tận dụng cơ sở vật chất đã có, tùy theo khả năng tài chính và trình độ người nông dân đã xây dựng nên mô hình nuôi tôm theo chiến lược bền vững, thân thiện với môi trường như quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm – rừng, tôm – lúa… Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, để theo kịp các quốc gia khác và giữ vững vị thế của con tôm, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi phải thay đổi tư duy về nuôi tôm. Thay vì tìm thuốc chữa bệnh cho tôm nên tìm những điểm tốt nhất bằng những sản phẩm công nghệ hỗ trợ để nuôi tôm. Thay đổi được tư duy đó sẽ tìm được những sản phẩm tốt có sự đầu tư khoa học công nghệ thực sự giúp việc nuôi tôm cũng dễ dàng và đơn giản và thành công.