Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành phố, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất cả nước. Chính vì thế, việc thu hút các cơ hội hợp tác giữa Hà Nội, các tỉnh phía Bắc với vùng ĐBSCL có ý nghĩa rất quan trọng.
Chính vì vậy, Hội nghị “Hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc” được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 5 vừa qua đã thu hút sự quan tâm sâu rộng.
Tiềm năng thu hút đầu tư
ĐBSCL giữ vai trò đặc biệt trong cơ cấu kinh tế của cả nước. Đây là vùng đất có tiềm năng phong phú, đa dạng, là trọng điểm về sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản và ngành nông nghiệp luôn giữ vị trí then chốt trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
ĐBSCL cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy, hải sản đánh bắt và hơn 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu mạnh về thủy sản và đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới trong nhiều năm gần đây.
Với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, con người hòa đồng thân thiện và cần cù, vùng ĐBSCL hoàn toàn có cơ sở để phát triển kinh tế một cách bền vững; khai thác các lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng. Chính vì vậy, việc tăng cường thúc đẩy hợp tác để phát triển đầu tư, thương mại và du lịch là thực sự cần thiết và đây cũng là định hướng phát triển lâu dài cho ĐBSCL trong thời gian tới.
>> Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Quốc Việt: Hội nghị này là hoạt động thiết thực, giúp quảng bá, hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa các bên. ĐBSCL là địa bàn chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước, có tiềm năng và lợi thế phát triển đa dạng về nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Hợp tác đầu tư giữa ĐBSCL, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các địa phương. |
Kết nối cung – cầu, phát triển kinh tế
Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và kết thúc đàm phán một loạt Hiệp định thương mại tự do vừa qua, việc tìm giải pháp tiêu thụ và xuất khẩu cho nhóm hàng nông thủy sản đòi hỏi chiến lược dài hơi từ các bộ, ngành hữu quan, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Để tăng hiệu quả cho việc hợp tác đầu tư, cần có cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp với cơ sở hạ tầng; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; mở rộng mạng lưới phân phối nông sản thực phẩm hoa quả của ĐBSCL tại Hà Nội; hỗ trợ hợp tác phát triển giáo dục – đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho toàn vùng; hợp tác khai thác tiềm năng về cảnh quan du lịch, giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của cư dân châu thổ sông Cửu Long cho du khách trong và ngoài nước…
Theo đó, nội dung xúc tiến đầu tư là phối hợp, trao đổi danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực vào vùng ĐBSCL, ban hành các nội dung thu hút đầu tư có tính khuyến khích vào thế mạnh và tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn cho vùng; đầu tư các dự án hạ tầng liên quan. Vận động các doanh nghiệp tại Hà Nội xây dựng, khai thác các hạ tầng thương mại như: Trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ nông thôn…
Về xúc tiến thương mại, các bên tập trung ban hành cơ chế, cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hàng Việt… Tiếp đó là việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản, quản lý nông nghiệp giữa Hà Nội và ĐBSCL. Xúc tiến du lịch nhằm khai thác các tour, tuyến du lịch quốc gia liên vùng và nội vùng mà hai bên có thế mạnh.
Những ký kết mang tính quyết định
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (đại diện 13 tỉnh thuộc ĐBSCL) và UBND thành phố Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch; trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp… Qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân trong vùng ĐBSCL, mở ra quan hệ hợp tác đa phương mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Giai đoạn hợp tác 2011 – 2015, Hà Nội giúp ĐBSCL tiêu thụ 105 tấn hành tím và tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian tới; Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng đặc sản các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam bộ, đưa một lượng lớn hoa quả, nông sản, thủy sản của ĐBSCL: gạo, hoa quả đóng hộp, đường thốt nốt vào hệ thống bán lẻ hiện đại của doanh nghiệp Hà Nội để tiêu thụ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội ký biên bản hợp tác phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long…; đã có trên 100 dòng sản phẩm nông sản an toàn được bày bán tại thị trường Hà Nội, được người tiêu dùng Thủ đô đánh giá cao về chất lượng.
Về lĩnh vực du lịch, Hà Nội và ĐBSCL cũng có nhiều hoạt động kết nối, ký kết để quảng bá, xúc tiến giữa các bên, kết nối tour, tuyến du lịch; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực…
Việc hợp tác phát triển giai đoạn 2011 – 2015 giữa vùng ĐBSCL và Hà Nội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành cần có những chính sách hỗ trợ; các doanh nghiệp cần có sáng kiến phát triển mang tính đột phá và tạo quan hệ hợp tác thực hiện giữa các bên theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, hỗ trợ nhau phát triển ổn định và bền vững.
>> Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương trên cả nước, trong đó hợp tác với ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng. Hai bên đã ký 6 biên bản ghi nhớ quan trọng để tiêu thụ sản phẩm làng nghề của Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu, trao đổi hai chiều giữa Hà Nội và ĐBSCL, đưa hàng hóa ĐBSCL vào tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Thời gian tới, Hà Nội và ĐBSCL sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch… Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các công trình phúc lợi có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL. |