Gỡ “nút thắt” cho ngành cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá tra là một trong những sản phẩm chiến lược quốc gia; tuy nhiên, việc phát triển ngành hàng này còn rất nhiều khó khăn. Tháo gỡ những “nút thắt” đang là yêu cầu đặt ra gấp gáp.

Khó tứ bề

Tại Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra trước yêu cầu hội nhập quốc tế” do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Cá tra là mặt hàng chiến lược thế mạnh của Việt Nam, nhưng lại có số phận rất lận đận. Thành tựu cũng có, nhưng yếu kém còn tồn tại rất nhiều. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, chúng ta cần ngồi lại với nhau tìm hướng đi để cá tra xứng danh mặt hàng chiến lược quốc gia.

Nói về những thách thức cá tra đang phải đối mặt, ông Phạm Quang Huy, Phó trưởng Phòng Hội nhập Quốc tế (Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT) nêu một số điểm chính: Mặt hàng cá tra của ta hiện nay vẫn đảm bảo cạnh tranh nhưng phải nỗ lực cân bằng giữa cuộc chiến cạnh tranh giá và chống bán phá giá; Chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam chưa lành mạnh, sự liên kết lỏng lẻo; Tiêu chuẩn chất lượng cũng là một thách thức lớn; Năng lực dự báo thị trường còn hạn chế…

Đại diện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản nêu thêm một số khó khăn: Những nội dung quy định của Cơ quan An toàn thực phẩm và Dịch vụ Kiểm tra (FSIS) chưa đầy đủ thông tin như: chất lượng nước để nuôi cá, cách vận chuyển cá đến cơ sở chế biến, thành phần thực phẩm, phụ gia được phép sử dụng… chúng ta chưa biết làm sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, có những nội dung quy định của FSIS quá khắt khe, không phù hợp thông lệ quốc tế.

gỡ nút thắt cho ngành cá tra

Phát triển ngành cá tra còn gặp nhiều bất lợi – Ảnh: Duy Khương

Là địa phương có diện tích và sản lượng cá tra đứng đầu cả nước, ông Hồ Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, ngoài những khó khăn trên, thời tiết bất lợi, giá cả đầu vào đầu ra đều không ổn định tiếp tục làm khó con cá tra địa phương.

 

Giải pháp khoa học công nghệ

Bàn về giải pháp cho ngành hàng cá tra, ông Phan Thanh Lâm, Trưởng phòng Quản lý nghề cá và Phát triển Nuôi trồng thủy sản bền vững (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) nhấn mạnh đến áp dụng công nghệ làm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra. Đối với con giống, cần nghiên cứu xây dựng quy trình ươm cá giống thâm canh chất lượng cao áp dụng công nghệ lọc tuần hoàn kết hợp với biofloc. Đối với công nghệ nuôi cần có những cải tiến trong nuôi thâm canh như: Xây dựng công nghệ nuôi cá tra thâm canh canh bằng hệ thống tuần hoàn; Bổ sung sục khí bằng hệ thống đĩa khí; Áp dụng công nghệ quét thủy âm và tự động hóa…

Ông Huỳnh Đức Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, phân tích: Khó khăn lớn nhất đối với con cá tra hiện nay là truyền thông nước ngoài đang tập trung vào những thông tin không tốt, làm xấu hình ảnh cá tra Việt Nam. Trong khi, phản ứng của mình chưa đủ mạnh, làm thị trường xuất khẩu yếu dần. Các doanh nghiệp thì không lo đương đầu với thách thức, lại quay về đấu đá, cạnh tranh thiếu lành mạnh với nhau và làm chất lượng sản phẩm tiếp tục giảm sút.

Để khắc phục những thực trạng đang tồn tại, theo ông Trung phải có chiến lược phát triển thị trường đi theo hệ thống, có sự chỉ đạo từ trên xuống dưới. Đồng thời, đề nghị cho chủ trương thành lập quỹ phát triển hình ảnh cá tra và hình thành liên minh doanh nghiệp cá tra chất lượng cao.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long hoan nghênh và rất tán thành việc hình thành liên minh các doanh nghiệp cá tra có chất lượng cao, nhưng đơn vị này lại trăn trở: Ai, cơ quan nào sẽ bảo đảm liên minh hoạt động hiệu quả?

Còn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lo ngại vấn đề thực tiễn trước mắt, giá cá tra đang giảm nhưng giá thức ăn tăng. Từ đó, người dân sẽ sử dụng nhiều thức ăn tự chế để giảm đầu vào, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cá tra xuất khẩu. Đại diện VASEP đề nghị Bộ can thiệp, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chậm tăng giá, giảm khó khăn cho người nuôi.

Cũng trong hội nghị, Vụ Nuôi trồng Thủy sản đã thông tin về kết quả thực hiện Nghị định 36, trong thời gian sắp tới sẽ trình Chính Phủ và các ban ngành liên quan ban hành nghị định thay thế cho Nghị định 36, phù hợp hơn với tình hình hiện nay.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản và các ban ngành liên quan hoàn thành đề án khung để phát triển ngành hàng cá tra; rà soát các chính sách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản phẩm này phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, khuyến khích phát triển những sản phẩm chất lượng cao. Với các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, trước mắt, phải giữ bằng được thị trường này, tăng cường đấu tranh, doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ các mặt hàng xuất khẩu, tránh để xảy ra tình trạng như vừa qua.

“Trong nuôi cá tra, từ giống, thức ăn, quy trình nuôi đến chế biến đều cần đột phá bằng khoa học công nghệ. Phải tổ chức lại sản xuất trên mô hình liên kết chuỗi, có những chính sách phù hợp để hướng tới giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Tăng cường xúc tiến thương mại, phải giữ được thị trường truyền thống và phát triển rộng ra thị trường tiềm năng”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

>> Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2015 đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 24,35% tỷ trọng trong xuất khẩu ngành thủy sản; Tốc độ tăng trưởng giảm 10% so năm 2104. Thị trường chính là: EU, Mỹ, ASEAN, Brazil…

Khánh Hưng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!