Sáng 22/8, tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả sau sự cố xả thải của Formosa làm hải sản chết hàng loạt.
Theo đó, thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10 – MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
Trình bày báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, các thông số kết quả quan trắc đều nằm trong quy định tiêu chuẩn môi trường cho phép. Tuy nhiên, khu vực biển cách bờ 15 km cần lưu ý chặt chẽ hơn.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng việc công bố kết quả môi trường biển là cấp bách và cần thiết. Để người dân có thể đánh bắt thủy hải sản, bên cạnh đó Nhà nước sẽ giám sát chặt hệ thống xả thải của Công ty Formosa và các công ty, xí nghiệp khác.
Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn chất thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường biển, hàm lượng các chất ô nhiễm đang có xu hướng giảm theo thời gian.Hệ sinh thái san hô, cỏ biển và nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, trước thắc mắc về vấn đề liệu hải sản tại khu vực này đã an toàn hay chưa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, người dân cần chờ thêm một thời gian nữa. Bởi việc ăn hải sản liên quan trực tiếp đến tính mạng của tất cả mọi người nên các nghiên cứu phải chặt chẽ từng bước một. Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu và sẽ sớm có câu trả lời.
Để đảm bảo, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.