Để chất lượng giống thủy sản có tính ổn định, bền vững, những năm qua Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện khung pháp lý nhằm điều chỉnh các hoạt động kiểm soát sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Đây được coi là công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng giống thủy sản.
Điều kiện sản xuất, kinh doanh
Việc quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản được quy định khá chi tiết tại Khoản 2, Điều 33 của Luật Thủy sản: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ; quy định chi tiết các điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản tại Điều 11 Nghị định 59; Thông tư số 26: quy định chi tiết điều kiện đối với cơ sở sinh sản giống thủy sản; cơ sở ương, dưỡng; cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6.
Điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản được quy định trong khung pháp lý giống thủy sản – Ảnh: Lại Cường
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT ban hành 2 quy chuẩn Việt Nam (QCVN) để quy định điều kiện cơ sở sản xuất giống thủy sản: QCVN 01-81: 2011/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống – Điều kiện vệ sinh thú y và QCVN 02-15: 2009/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Cơ sở sản xuất giống thủy sản – Điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và môi trường; Ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh. Như vậy, trước đây quy định các điều kiện đối với một cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản gồm có 4 điều kiện: Điều kiện sản xuất, kinh doanh; Điều kiện vệ sinh thú y; Điều kiện an toàn thực phẩm; Điều kiện sản xuất, kinh doanh ban đầu. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Bộ NN&PTNT đã bãi bỏ Thông tư 41/2010/TT-BNNPTNT ngày 5/7/2010 quy định về việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản tại Quyết định số 2519/QĐ-BNN-PC ngày 22/6/2016. Cùng đó, bãi bỏ Khoản 1, 2, 3 Điều 5; Điểm b Khoản 1 và Khoản 3 Điều 6, Điều 11 của Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản tại Quyết định số 2655/QĐ-BNN-PC ngày 29/6/2016.
Quản lý chất lượng, danh mục
Chất lượng giống thủy sản tuân thủ theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác ban hành các tiêu chuẩn về chất lượng giống thủy sản còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Đặc biệt, những năm gần đây, các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp nâng cao sản lượng cũng như chất lượng giống thủy sản đã chọn tạo nhiều giống mới, nhưng công tác công nhận giống mới còn chậm do chưa xây dựng được hệ thống các tiêu chuẩn.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định chi tiết, tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả thì trong Luật Thủy sản sửa đổi cần quy định các đối tượng hay nhóm đối tượng phải áp dụng tiêu chuẩn. Cần ưu tiên nhóm đối tượng chủ lực.
Đối với quản lý hoạt động sản xuất giống thủy sản trong nước, hiện tại quy định ban hành và quản lý theo: “Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh”, như vậy, một giống mới phải liên tục được bổ sung vào danh mục. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác công nhận và bổ sung vào danh mục còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc ban hành Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh còn khó khăn bởi rất nhiều giống loài thủy sản bản địa đến nay chưa thống kê được, vì thế sẽ tạo khó khăn trong việc bổ sung vào Danh mục.
Để đảm bảo tính hợp hiến, giai đoạn tới cần quy định Danh mục giống thủy sản cấm sản xuất, kinh doanh. Như vậy các tổ chức, cá nhân được sản xuất, kinh doanh những gì luật pháp không cấm.
>> Với việc ban hành Nghị định 66/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm; và bãi bỏ các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh giống thủy sản. |