Sóc Trăng có thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm. Trong những năm qua, con tôm đã đưa về nguồn ngoại tệ rất lớn cho tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương ngày càng phát triển. PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Luân (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng về vấn đề trên.
Nuôi tôm bền vững là hướng đi của ngành tôm Việt Nam, Sóc Trăng triển khai nội dung này ra sao, thưa ông?
Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo phát triển ngành thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ một cách bền vững trong giai đoạn từ nay tới 2020, tầm nhìn đến 2030. Ngày 1/7/2014, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định số 690/QĐHC-CTUBND phê duyệt Quy hoạch thủy sản tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, diện tích nuôi thủy sản đến năm 2020 gần 75.000 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 46.000 ha, có trên 30.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Tổng sản lượng thủy sản 346.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 105.000 tấn, chiếm 30% sản lượng nuôi thủy sản.
Căn cứ Quyết định số 04/ĐA-UBND ngày 25/6/2014 của UBND tỉnh về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện trong lĩnh vực thủy sản với nhiều mục tiêu; trong đó, duy trì và quản lý tốt các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm – lúa, các quy trình sản xuất phù hợp, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Sóc Trăng đã triển khai những giải pháp nào thúc đẩy nuôi tôm hiệu quả, thưa ông?
Để triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh có hiệu quả, nhiều hoạt động đã và đang được tiến hành như: Tổ chức lại sản xuất, hình thành các THT/HTX để đưa những người nuôi quy mô nhỏ lẻ thành các cánh đồng nuôi thủy sản lớn hơn. Thay đổi hình thức tập huấn, xây dựng mô hình nuôi sát với điều kiện thực tế của từng khu vực. Hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các hình thức nuôi an toàn theo các chứng nhận VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP… và từng bước hỗ trợ chứng nhận sản phẩm an toàn cho người nuôi.
Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi với sự tham gia của các công ty cung cấp vật tư đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và quản lý để giúp giảm giá thành sản xuất. Xây dựng lịch mùa vụ và linh hoạt trong quản lý lịch mùa vụ nuôi tôm theo tình hình thực tế. Tăng cường thanh tra đột xuất thức ăn, hóa chất, kháng sinh và chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi và môi trường trên hệ thống sông của tỉnh. Tổ chức quan trắc môi trường và dịch bệnh để cung cấp thông tin khuyến cáo đến các vùng nuôi kịp thời.
Ngoài ra, địa phương còn tiến hành ký kết quy chế phối hợp quản lý chất lượng giống và dịch bệnh với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cùng đó, minh bạch thông tin về thị trường, giá các vật tư đầu vào và giá sản phẩm để giúp cho công tác quản lý cũng như hoạch định sản xuất được tốt hơn… Ngoài ra, tỉnh đang tiến hành rà soát quy hoạch nuôi tôm nước lợ để tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu hiện nay. Qua những nỗ lực ban đầu, nghề nuôi tôm của Sóc Trăng từng bước đã được cải thiện và phát triển bền vững hơn.
Ông có thể cho biết những chính sách và định hướng phát triển trong tương lai cho con tôm tại Sóc Trăng ?
Trên cơ sở quy hoạch, ngành cùng với địa phương tiếp tục rà soát các công trình còn nhiều bất cập, đề xuất ưu tiên đầu tư phục vụ cho các vùng nuôi tôm trọng điểm nhằm tăng khả năng cấp thoát nước, giảm thiểu rủi ro ô nhiễm vì dịch bệnh; Đầu tư nâng cấp giao thông, thủy lợi, điện, phục vụ vùng nuôi tôm trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách của Chính phủ như Quyết định 68/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho người nuôi tôm, doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến, thiết bị và đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành tôm; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Hỗ trợ cho các HTX thủy sản tìm đầu ra sản phẩm thông qua thực hiện tốt Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư khu sản xuất giống tập trung ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu nhằm góp phần đáp ứng nguồn giống tại chỗ cho người sản xuất. Rà soát và hoàn thiện hệ thống thủy lợi và điện đến các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Hỗ trợ người nuôi tôm áp dụng các tiêu chuẩn để sản xuất thủy sản có xác nhận theo quy định. Tạo điều kiện cho các Dự án trong nước và quốc tế đến hỗ trợ cho địa phương (CRSD, WWF, ICAFIS, OXFAM…) để có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kết nối thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm tôm nuôi của tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Ông Trần Đình Luân: Kiến nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ NN&PTNT trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện bảo hiểm tôm nuôi với những quy định về điều kiện cụ thể, nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro cho ngành tôm cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. |