Ngày 14/9, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ. Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy; Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang; các viện, trường và Sở NN&PTNT của 27 tỉnh, thành ven biển phía Nam.
Theo báo cáo, diện tích thả nuôi tôm nước lợ 8 tháng năm 2016 của cả nước đạt trên 660.000ha. Mô hình nuôi tôm nước lợ hiện có sự thay đổi về cơ cấu đối tượng nuôi, khi người dân đã chuyển sang nuôi tôm sú trở lại, với trên 580.000ha. Mô hình nuôi tôm nước lợ và xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do công tác giám sát vùng nuôi, đặc biệt là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh chưa có hiệu quả; hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm nước lợ chưa đảm bảo; việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; khó kiểm soát chất lượng giống thủy sản; giá thành sản xuất tôm trong nước còn cao hơn các nước trong khu vực nên khó cạnh tranh; thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do gặp phải hàng rào kỹ thuật, thuế quan. Bên cạnh đó, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, tồn dư kháng sinh cũng góp phần làm mất uy tín thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường thế giới… Đối với tỉnh Bạc Liêu, năng suất các mô hình nuôi tôm nước lợ vẫn còn thấp; thường xuyên đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh; môi trường đất, nước đang có dấu hiệu suy thoái, ô nhiễm; hàm lượng khoa học – công nghệ trong sản phẩm thủy sản còn thấp…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu – Ảnh: M.Đ
Tại hội nghị, nhiều giải pháp để phát triển các mô hình nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới đã được các đại biểu đưa ra, trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, các giải pháp quản lý tiên tiến vào sản xuất; tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng nuôi, ao nuôi; tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung triển khai xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng; phát triển mở rộng một số diện tích tôm – lúa ở những nơi có đủ điều kiện…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Nước ta có lợi thế đặc biệt về con tôm, vì thế cần xây dựng để con tôm Việt Nam trở thành một thương hiệu sản phẩm quốc gia. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tỉnh, các thành phần kinh tế tổng hợp, rà soát tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện bổ sung quy hoạch tổng thể, phân bổ nguồn lực để tập trung phát triển con tôm nước lợ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương từ nay đến cuối năm cần tăng cường kiểm soát và hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng kháng sinh và nạn bơm tạp chất trong hoạt động sản xuất tôm; phối hợp với doanh nghiệp tổng kết các mô hình từ quảng cảnh, thâm canh, siêu thâm canh, công nghiệp… góp phần đảm bảo mục tiêu đề ra.
Trước đó, chiều 13/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường đã đến tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu.