Thời gian qua, các loại cá nước ngọt được giá và thị trường tiêu thụ ổn định, giúp người nuôi có thu nhập khá nên nhiều hộ dân đã mạnh tay đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Trần Văn Tý ở xã An Mỹ, là một trong rất nhiều hộ nuôi cá nước ngọt ở huyện Tuy An (Phú Yên), cho biết: Khoảng 2 năm nay, giá cá tràu dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, cá trê từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu đầu tư lớn, người nuôi sẽ có lãi khá. Vừa qua, gia đình tôi mới xuất 2 hồ cá tràu được 5 tạ, thu gần 30 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi gần 15 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi tập trung nuôi thúc để chuẩn bị xuất thêm 3 hồ cá trê nữa. Theo ông Tý, nuôi cá nước ngọt rất nhọc công nhưng nhờ mấy năm nay, cá có đầu ra ổn định, thu hoạch bao nhiêu thương lái thu gom hết, giá lại cao nên gia đình ông cũng như nhiều hộ nuôi cá khác rất phấn khởi.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sung ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), từ năm 2014, gia đình ông tham gia mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm trong ao do Trung tâm Khuyến nông (trước đây là Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư) triển khai và thu được hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy gia đình ông đã duy trì nghề cho đến nay. Hiện ao nuôi của gia đình ông Sung rộng 300 m2; mỗi năm thả nuôi 3 vụ cá trê, mỗi vụ kéo dài khoảng 3 tháng là thu hoạch. Ông Sung cho hay: Cá trê là loài ăn tạp, rất dễ nuôi nên gia đình tôi không sử dụng thức ăn công nghiệp mà mua các loại cá tạp hoặc phụ phẩm có tại địa phương để cho cá ăn, nhờ vậy chi phí thức ăn giảm đáng kể. Ngoài ra, nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức và tìm hiểu trên các kênh thông tin nên tôi tích lũy được nhiều kiến thức về nuôi cá nước ngọt. Nhờ vậy hiện nay, mỗi khi theo dõi cách cá ăn mồi, cá bơi thì có thể biết được cá có bệnh hay không để sớm điều trị. Bình quân mỗi vụ thu hoạch cho sản lượng khoảng 600kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 40 triệu đồng.
Theo nhiều người nuôi cá nước ngọt, những năm trước đây, việc nuôi cá rất bấp bênh. Năm nào cá bị dịch bệnh, sản lượng thấp thì giá lên được chút đỉnh, còn năm nào cá có sản lượng giá lại thấp. Nhưng gần 2 năm nay, nhất là từ khi xảy ra sự cố môi trường biển ở miền ngoài thì nhu cầu tiêu thụ cá nước ngọt của thị trường tăng, giá cá nhờ vậy cũng ổn định ở mức cao. Đặc biệt năm nay, những hộ nuôi cá trên các hồ thủy lợi, thủy điện trúng đậm nhờ ít xảy ra dịch bệnh. Bà Lê Thị Thu Thảo, một hộ nuôi cá trong lòng hồ thủy điện Sông Hinh (huyện Sông Hinh), cho biết: Gia đình tôi nuôi cá trong lòng hồ Sông Hinh đã 5 năm nay. Hiện diện tích lồng nuôi của gia đình khoảng 1.000 m2 mặt nước, nuôi chủ yếu hai loại cá tràu và cá trê. Hàng ngày, hai vợ chồng đánh bắt cá, tôm trong lòng hồ để làm thức ăn cho cá nên chi phí giảm đáng kể. Bình quân mỗi năm, tôi nuôi được 2 lứa cá tràu, còn cá trê thì nuôi gối vụ quanh năm. Từ đầu năm đến nay, cá nuôi ổn định, không xảy ra dịch bệnh nên tỉ lệ hao hụt thấp, lợi nhuận cao.
TS. Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Tại Phú Yên, nhiều hộ gia đình đang đầu tư nuôi cá nước ngọt, tập trung tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa với hình thức nuôi trong hồ xi măng hoặc ao đất. Riêng các huyện miền núi, bà con nuôi trong các lòng hồ thủy điện, thủy lợi để tăng hiệu quả kinh tế.
Nhờ cá nước ngọt được giá, thị trường tiêu thụ ổn định nên khoảng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá nước ngọt. Ông Trần Văn Tý cho biết: Vừa rồi, gia đình tôi xây thêm 2 hồ nuôi rộng 60 m2, nâng tổng số hồ nuôi của gia đình lên 12 hồ. Với số lượng hồ như vậy, mỗi năm, tôi nuôi được 2 vụ cá tràu, mỗi vụ thả khoảng 5.000 con giống, sản lượng thu hoạch khoảng 1,5 tấn. Còn cá trê thì nuôi được 3 lứa, mỗi lứa thả 70 kg cá giống với sản lượng khoảng 2 tấn cá thương phẩm.
Tương tự, tại huyện Tây Hòa, nhiều hộ nuôi cá nước ngọt ở đây cũng đang mở rộng quy mô nuôi, điển hình như vợ chồng ông Hồ Tấn Phong ở xã Hòa Tân Tây. Theo ông Phong, thời gian gần đây, thị trường rất chuộng các loại cá nước ngọt nuôi, đặc biệt là cá tràu vì giống cá này chỉ ăn thức ăn tươi, sạch nên chất lượng cá đảm bảo. Vì vậy hai vụ gần đây, gia đình ông dừng nuôi cá trê và chuyển sang nuôi cá tràu. Lúc này, ông Phong còn xây thêm một hồ nuôi rộng 40 m2 nữa để mở rộng diện tích nuôi. Mỗi năm từ nuôi cá nước ngọt, gia đình ông có thu nhập gần 100 triệu đồng. Còn bà Lê Thị Thu Thảo cho biết: Vừa rồi gia đình tôi thu hoạch được gần 2 tấn cá tràu, bán được giá 55.000 đồng/kg, thu lãi được khoảng 70 triệu đồng. Cá sau khi thu hoạch được thương lái thu mua để chuyển ra các tỉnh miền ngoài tiêu thụ. Hiện gia đình tôi đang thả giống nuôi để có thể thu hoạch bán vào dịp tết. Đón đầu thị trường tiêu thụ của vụ này sẽ tăng mạnh nên bà Thảo đầu tư mở rộng diện tích nuôi lên 1.500 m2 với 5 lồng, thả nuôi hai loại cá trê và cá tràu. “Nếu thời tiết thuận lợi, dịch bệnh không phát sinh thì vụ này có thể sẽ “thắng” đậm”, bà Thảo hy vọng.
Dạ nhà e cần đàu ra cá trê ạ