Sau nhiều năm gắn bó với con tôm sú nhưng không mang lại thành công, thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Cà Mau chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Loại tôm này được nhiều hộ đánh giá có nguồn thu khá hơn tôm sú. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại tỏ ra lo ngại khi người dân tự ý đẩy mạnh việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng dạng tự nhiên.
Tôm thẻ chỉ được khuyến cáo nuôi dạng công nghiệp mới hiệu quả
Bùng phát trên diện rộng
Khoảng 2 năm nay tại huyện Thới Bình, do khó khăn trong việc nuôi tôm sú nên người dân đã bắt đầu thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong các ao nuôi tôm quảng canh và tôm – lúa. Sự “xé rào” trên đã “bất ngờ” mang lại lợi nhuận khá cao. Từ đó, phát sinh sang các huyện lân cận như U Minh, Cái Nước… Đặc biệt, sau mùa hạn mặn lịch sử vừa qua tại ĐBSCL tình trạng trên diễn ra càng phổ biến hơn.
Sau gần 1 năm thả nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Dư Hoàng Chơn, ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh cho biết: “Xét về giá trị thì tôm thẻ không bằng tôm sú. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của tôm thẻ cao hơn rất nhiều, ước có thể đạt trên 80%. Đặc biệt, thời gian cho thu hoạch rất ngắn, nhờ đó mà lợi nhuận mang lại cao hơn tôm sú”.
Theo ông Chơn, chỉ cần chưa tới 2 tháng nuôi, tôm thẻ đã cho thu hoạch, trong khi đó, nuôi tôm sú phải mất từ 3 – 4 tháng. Về giá, tôm thẻ loại 50 con/kg, hiện giá cũng 150.000 đồng/kg. Mỗi đợt thả nuôi, nếu thuận lợi, bà con kiếm từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/ha là chuyện thường.
Còn ông Hai Đời, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, nhận định: “Sau đợt hạn mặn dữ dội đầu năm 2016, gia đình tôi đã cải tạo ao và thả nuôi 2 đợt tôm sú, nhưng thu hoạch chẳng được mấy con. Thấy bà con địa phương nuôi tôm thẻ có đồng ra, đồng vào, nên tôi cũng đánh liều làm theo. Sau hơn 2 tháng nuôi, dù rất ít cho ăn hay chăm sóc… nhưng tôm thẻ vẫn đạt trọng lượng 70 con/kg, giúp tôi thu lời khoảng 25 triệu đồng trên diện tích gần 1ha. Trước hiệu quả của tôm thẻ nên tôi sẽ tiếp tục thả nuôi”.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình cho biết: “Hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng trong vuông tôm quảng canh và tôm lúa được bà con làm tự phát khoảng 3 năm nay. Diện tích của huyện đã đạt khoảng 8.000ha. Chúng tôi đã báo cáo thực trạng này và đoàn kiểm tra của Bộ NN-PTNT cũng đã về thực địa. Hiện chưa có kết luận là cho hay không cho nuôi. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng là động vật ngoại lai, sức ăn rất mạnh, nếu bà con tiến hành thả nuôi nhiều vụ liên tiếp sẽ khó thành công…”.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Ông Nguyễn Văn Sáu, ở khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh đã có vài năm thả nuôi tôm thẻ chân trắng theo dạng tự nhiên, nhưng nay cảm nhận những khó khăn. Theo ông Sáu, khi mới nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vụ đầu tiên thì nhờ môi trường còn tốt, thức ăn trong các ao nuôi tôm sú trước đây phong phú… nên tôm thẻ lớn nhanh và rất đạt về trọng lượng. Tuy nhiên, trải qua vài vụ nuôi đầu thì sau đó các ao tôm gần như không còn thức ăn, tôm thẻ dạng tự nhiên trở nên chậm lớn…
Theo thạc sĩ Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau: “Thời gian qua tôm thẻ chân trắng chỉ được nuôi với hình thức thâm canh và bán thâm canh; trong khi nuôi dạng tự nhiên không phù hợp với chủ trương của Bộ NN-PTNT”.
Ông Huy khuyến cáo, tuyệt đối không nên nuôi tôm thẻ chân trắng trong các ao tôm quảng canh hay ao nuôi tôm – lúa. Lý do, tôm thẻ chân trắng khi được thả nuôi thường xuyên sẽ làm môi trường tự nhiên suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu thất bại trong nuôi tôm thẻ, quay lại nuôi tôm sú sẽ rất khó khăn, do bà con chưa nắm vững kỹ thuật xử lý môi trường. Mặt khác, tôm sú đã khẳng định được giá trị bền vững và là thế mạnh của địa phương. Vì vậy, người dân không nên chạy theo cái lợi trước mắt sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường về lâu dài…