Năm nay, thời tiết khá bất thường vì đã qua thượng tuần tháng 2 nhưng trời liên tục có mưa lớn, xuất hiện sương mù dày đặc vào buổi sáng làm không khí thay đổi đột ngột ảnh hưởng lớn đến tình hình nuôi tôm của nông dân tại nhiều tỉnh, thành.
Người nuôi tăng cường quản lý ao tôm sau mỗi trận mưa lớn trái mùa Ảnh: Ngọc Trinh
Trễ lịch thời vụ
Năm nay, Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 113.000 ha tôm nuôi nước lợ, trong đó, nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp là 2.600 ha, tôm – lúa 89.000 ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến. Mặc dù, đã vào vụ nuôi được gần 1,5 tháng nhưng nông dân mới xuống giống được khoảng 30% diện tích. Theo những người nuôi tôm tại Kiên Giang, việc thả giống chậm trễ là do trời liên tục xuất hiện mưa lớn trái mùa làm thay đổi môi trường nước.
Ông Trần Văn Dũ (ngụ xã Thuận Hòa, huyện An Minh có 3 ha canh tác theo mô hình – lúa tôm) cho biết, đang thời vụ thả tôm giống mà trời cứ mưa, nắng thất thường. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, nhiệt độ, độ mặn, pH trong nước đều thay đổi, nếu thả tôm xuống dễ bị sốc môi trường dẫn đến chết hàng loạt, do đó nông dân phải nháo nhào mua vôi, hóa chất về xử lý nguồn nước. Nhiều người vừa xử lý xong môi trường ao nuôi, chưa kịp bắt tôm giống về thả lại gặp mưa lớn, phải ngưng lại làm cho lịch thời vụ bị chậm trễ.
Hay tại Trà Vinh, theo Sở NN&PTNT địa phương, vụ nuôi tôm năm 2017 mới bắt đầu được hơn 2 tháng nhưng hàng nghìn hộ nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại hơn 100 triệu con giống do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa trái mùa, đồng thời, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao (từ 5 – 70C) nên dịch bệnh trên tôm nuôi tăng đột biến và lây lan rộng. Cầu Ngang là một trong những địa phương nuôi tôm trọng điểm của tỉnh bị thiệt hại nặng. Ông Dương Văn Đởm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, đã có 366 hộ thiệt hại với hơn 33 triệu con giống tôm sú trên diện tích 167 ha, chiếm hơn 32% diện tích thả nuôi.
Khuyến cáo người nuôi
Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang thông tin, năm 2017, tỉnh có kế hoạch nuôi tôm thương phẩm đạt sản lượng 63.000 tấn, tăng 10,8% so năm 2016. Nếu xuống giống trễ hoặc dịch bệnh xảy ra nhiều thì khả năng khó hoàn thành mục tiêu này. Vì vậy, nông dân cần chủ động, chuẩn bị sẵn ao nuôi, khi thời tiết thuận lợi là tiến hành thả giống cho kịp thời vụ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang Quảng Trọng Thao cũng cho biết, ngay từ đầu vụ đơn vị đã xây dựng khung lịch thời vụ để các địa phương phổ biến đến người dân được biết và thực hiện tốt. Chủ động mở các cống ngăn mặn ngay sau khi nông dân thu hoạch xong vụ lúa nhằm phục vụ lấy nước nuôi tôm tại các vùng tôm – lúa cho kịp thời vụ. Đồng thời, khuyến cáo nông dân ngưng thả giống khi thời tiết bất lợi, môi trường không ổn định như nhiệt độ xuống quá thấp do không khí lạnh tăng cường hoặc nắng nóng kéo dài, nhất là giai đoạn cao điểm mùa khô từ tháng 3 đến tháng 5. “Sở NN&PTNT tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ xét nghiệm bệnh tôm giống miễn phí; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; cấp phát hóa chất sát trùng Chlorine để dập dịch, không để lây lan trên diện rộng. Xây dựng các mô hình trình diễn nuôi tôm thâm canh năng suất cao, an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất tôm – lúa VietGAP, phổ biến nhân rộng quy trình nuôi tôm hai giai đoạn đạt hiệu quả”, ông Thao cho biết thêm.
Các tỉnh vùng ĐBSCL cũng đã có văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình tôm – lúa và quảng canh cải tiến khi chưa có chủ trương của Bộ NN&PTNT. Đối với tôm công nghiệp, chỉ thả nuôi khi điều kiện thời tiết thuận lợi, chất lượng nguồn nước tốt và đảm bảo điều kiện nuôi theo quy định.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ nhận định, trước tình hình diễn biến bất thường về thời tiết trong thời gian qua gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nhưng đối với ngành thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn như làm thay đổi nhiệt độ và môi trường nước bất thường làm khó khăn cho việc ươm tạo giống và lịch thời vụ thả nuôi. Theo đó, để thích nghi và có biện pháp phòng tránh do thời tiết bất thường trong thời gian qua, người dân cần nắm rõ về kỹ thuật nuôi và xử lý nguồn nước ổn định trong ao hầm; đồng thời, tăng cường nguồn thức ăn giàu Vitamine C để cá, tôm có sức đề kháng cao cho sinh sản tốt.
>> Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong tháng 1, tình hình nuôi tôm có nhiều dấu hiệu khả quan, các địa phương đang tập trung chuẩn bị cho vụ nuôi mới năm 2017. Tại các tỉnh phía Bắc, nhiệt độ thấp khiến tôm nước lợ tăng trưởng chậm hơn các tháng trước, người nuôi tranh thủ thu hoạch nốt những ao đầm còn lại. Đối với những đầm đã thu hoạch xong, người nuôi tập trung nạo vét, cải tạo, xử lý môi trường để chuẩn bị thả nuôi tôm vụ 1 năm 2017. >> Trong khi, tại vùng ĐBSCL, lượng nước ở sông hồ, ao đầm không quá căng thẳng nên các địa phương đã có lịch thả tôm từ cuối tháng 12/2016, tiến độ thả tôm nhanh hơn năm 2016. Đầu vụ, các hộ nuôi chủ yếu tập trung nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và nuôi tôm – lúa, diện tích nuôi công nghiệp còn ít. Trong tháng 1/2017, sản lượng tôm sú vùng ĐBSCL ước 13.700 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm thẻ chân trắng ước 5.900 tấn, tăng 25,2% so cùng kỳ năm 2016. |