(Thuỷ sản Việt Nam) – Mỗi năm, hải sản khai thác của nước ta đạt sản lượng khoảng 2 triệu tấn và tổn thất sau khai thác khoảng 400 nghìn tấn, tức là mất 1/5. Con số “khủng” cả về tỷ lệ lẫn giá trị. Tổn thất chủ yếu do công nghệ bảo quản quá lạc hậu.
Tổng cục Thủy sản cho biết, chục năm nay, số lượng tàu khai thác hải sản tăng rất nhanh, nhưng chủ yếu là tàu nhỏ, không có hoặc rất hạn chế khả năng bảo quản. Hiện, cả nước có gần 130.000 tàu đánh bắt, trong đó 50% tàu có công suất dưới 20 CV, từ 20 đến 50 CV chiếm gần 24%; từ 50 đến dưới 90 CV trên 7%, và từ 90 CV trở lên chỉ có gần 19%. Nhiều tàu không có hầm bảo quản hải sản, hoặc có nhưng làm bằng vật liệu cách nhiệt kém, thậm chí một số ngư dân ở miền Trung dùng vải nhựa làm hầm bảo quản.
Phần lớn tàu đánh bắt vẫn sử dụng các khay nhựa và bảo quản hải sản bằng ướp đá xay, cung cách này chỉ giữ chất lượng hải sản được khoảng 7 – 10 ngày. Trong lúc, nước đá lại thường mất vệ sinh, không đúng chất lượng nên thời gian bảo quản ngắn hơn nữa. Ngư dân còn hay xếp hải sản nhiều khiến hải sản bị bầm giập, tạo điều kiện cho vi sinh vật thâm nhập, phát triển, làm hỏng hải sản. Ông Nguyễn Duy An, Giám đốc Nhà máy đóng hộp KTC của Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kiên Giang, cho rằng, tập quán tiêu thụ hải sản dễ dãi, ươn hư cũng bán được nên ngư dân không quan tâm đầu tư khâu bảo quản đúng tiêu chuẩn.
Để giảm tốn thất sau thu hoạch hải sản, trong các năm 2010 và 2011, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư máy móc bảo quản. Tuy nhiên, ngư dân đang khó tiếp cận nguồn vốn này. Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá (Kiên Giang) Trương Văn Ngữ cho biết, muốn vay vốn ưu đãi phải mua máy móc có tỷ lệ nội địa hóa 60% trở lên và “điều này không thực hiện được vì máy móc Việt Nam chế tạo rất hiếm”. Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bến Tre Cao Viết Minh nêu nhu cầu “hướng dẫn ngư dân làm hầm bảo quản đạt chuẩn”.
Dù nhiều thách thức nhưng Bộ NN&PTNT vẫn đặt mục tiêu, đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất hải sản sau thu hoạch xuống dưới 10%. Để làm được điều đó, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng cho rằng, nên gắn kết chuỗi sản xuất để đổi mới công nghệ. Đó là, doanh nghiệp chế biến thủy sản nên liên kết giúp ngư dân thiết kế, đầu tư làm hầm bảo quản tiên tiến.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo những việc cần tập trung trong năm 2012, giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư máy móc bảo quản. Gồm những công việc cụ thể như rà soát các cơ sở sản xuất máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu để lập danh sách, kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ. Kinh phí khuyến ngư tổ chức các điểm trình diễn công nghệ bảo quản tiên tiến cho ngư dân tham quan học tập. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Tám, đẩy mạnh việc thành lập các tổ đội khai thác biển để các ngư dân hỗ trợ nhau bảo quản hải sản, nâng cao hiệu quả kinh tế đánh bắt.
Sáu Nghệ