Giải thưởng đối với mỗi doanh nghiệp, cá nhân dù không phải là yếu tố quyết định đến thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thế nhưng, nó góp phần quan trọng để họ khẳng định thế mạnh của mình, nhất là với các doanh nghiệp hay những người dân gắn liền với ruộng đồng. Càng nhiều giải thưởng, nhất là những giải thưởng có thâm niên thì uy tín sẽ càng lớn.
Ảnh: Phan Thanh Cường
Vượt khó
Sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng của Việt Nam những năm gần đây liên tục đối mặt với những khó khăn, cả trong hoạt động kinh doanh nội bộ đến những chiêu “bẩn” trong cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Trong lĩnh vực cá tra, liên tiếp gặp lại những màn hạ hình ảnh của truyền thông nước ngoài. Mới đây nhất, đầu năm 2017, Đài Truyền hình Cuatro TV, Tây Ban Nha đã phát sóng chương trình với nội dung chứa đựng thông tin bôi nhọ hình ảnh của cá tra Việt Nam nuôi trên dòng sông Mê Kông. Nội dung là những thông tin không chính xác về điều kiện vệ sinh, chất lượng nước nuôi cá. Sau phóng sự này, chuỗi siêu thị bán lẻ châu Âu Carrefour đã tuyên bố ngừng bán cá tra tại các cửa hàng của Tây Ban Nha và Bỉ, các quầy tươi của Pháp.
Với sản phẩm tôm, là những thông tin về tôm nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm hay bị bơm chích tạp chất đang khiến sản xuất trong nước gặp trở ngại và hình ảnh con tôm của Việt Nam trên thế giới cũng ít nhiều bị ảnh hưởng và có thể đây là một trong những lý do khiến tôm nước ta bị “soi” nhiều hơn, sản phẩm tôm Việt Nam bị đánh đồng một cách vô lý. Mặc dù, hành động đó chỉ là vấn đề “con sâu làm rầu nồi canh” của một vài đơn vị sản xuất nhỏ lẻ làm ăn chụp giật đã gây ra những ảnh hưởng xấu này.
Với lĩnh vực thuốc thú y thủy sản, thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường cũng không ngoại lệ. Vụ việc 802 sản phẩm “khống” được phanh phui trong năm qua đã khiến người nuôi trồng thủy sản hoang mang và nghi ngờ rất lớn. Bởi trong nuôi tôm, thức ăn không chuẩn và sản phẩm “hậu cần” không tốt là nguyên nhân lớn khiến thất bại mỗi ao nuôi lại càng tăng lên. Không chỉ vậy, điều này càng khiến người nông dân luôn tỏ ra nghi ngờ với tất cả, nhất là trong thời điểm mà sản phẩm này trên thị trường đang quá nhiều, người nuôi lựa chọn như lạc vào “ma trận”.
Với những “sự cố” như vậy, người nuôi trồng thủy sản rất trông mong vào các đơn vị uy tín để có được những sản phẩm chất lượng, nhằm tránh “tiền mất tật mang”. Còn với doanh nghiệp, họ luôn cần nhưng cơ hội để khẳng định thương hiệu quả mình. Và mỗi giải thưởng uy tín chính là một “sân chơi” cần thiết.
Vì người thật, việc thật
CLV Thủy sản Việt Nam giải thưởng danh giá của ngành thủy sản
Là giải thưởng danh giá duy nhất của ngành thủy sản đến thời điểm hiện nay, Danh hiệu “Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam” được các cấp ngành đánh giá cao ngay từ khi ý tưởng được khởi xướng. Cùng đó, được các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân nhiệt tình ủng hộ trong suốt 8 năm qua sau 3 lần tổ chức thành công ngoài mong đợi.
Danh hiệu với những tiêu chí rõ ràng, vừa kế thừa của những lần tổ chức trước đó, vừa bổ sung thêm nhiều nội dung mới cho phù hợp với tình hình. Theo truyền thống, năm nay, Ban tổ chức xét chọn trao tặng cho các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân vẫn dựa trên 4 tiêu chí, đó là: Hiệu quả kinh tế; Hiệu quả xã hội; Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái. Quan trọng hơn, thành công của họ phải được cộng đồng công nhận, thể hiện qua việc nhận xét ngay từ cấp địa phương trên mỗi hồ sơ tham dự trước khi gửi về Ban tổ chức.
Điều mới mẻ quan trọng lần này là Ban tổ chức quy định, những doanh nghiệp có các sản phẩm nằm trong danh sách “sản phẩm khống” được Tổng cục Thủy sản nêu ra trước đây sẽ không được tham gia bình chọn. Điều đó cho thấy Ban tổ chức đã rất mạnh tay với những hành động trái với quy định của ngành và pháp luật. Việc này không chỉ là sự hưởng ứng với những chủ trương, quyết sách của ngành mà còn khẳng định uy tín của giải thưởng. Bởi Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam chỉ dành cho những đơn vị, cá nhân làm ăn chân chính, thành công của họ được gây dựng từ những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, vì lợi ích của người tiêu dùng, người nông dân trước khi tính đến lợi ích của bản thân. Quan trọng hơn, nhìn vào giải thưởng, người nông dân, người nuôi trồng thủy sản sẽ thêm sự tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp. Qua đó thêm lần nữa khẳng định, Danh hiệu như một thước đo giá trị để góp phần xây dựng niềm tin vững chắc của mỗi doanh nghiệp, cá nhân trên thương trường; đồng thời là cầu nối uy tín để họ đến với người nông dân một cách đầy tin tưởng.
Lần thứ 4 được tổ chức, Danh hiệu “Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam năm 2017” đang ngày càng hội tụ được những niềm tin, những vinh dự và vinh quang với ngành thủy sản, với các doanh nghiệp và đông đảo bà con nông dân, ngư dân.
>> TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chia sẻ: Danh hiệu nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân “có tâm có tài” mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu; Khuyến khích đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập… |