Cùng với việc mở rộng các diện tích nuôi trồng thủy sản thì thị trường thức ăn cũng phát triển theo. Việc quản lý hiệu quả việc sản xuất, cung ứng và phân phối sản phẩm thức ăn thủy sản hiện là đòi hỏi cấp thiết. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản, quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng, khảo nghiệm, chứng nhận, kiểm tra và quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại.
Thức ăn chiếm tỷ lệ lớn chi phí đầu vào trong nuôi trồng thủy sản Ảnh: Anvifish
Vai trò thiết yếu
Thức ăn tốt giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện sức khỏe và tạo được sản phẩm nuôi trồng có giá trị cao. Trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn có vai trò quan trọng, thường chiếm 40 – 70% chi phí sản xuất. Những năm gần đây, nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn thủy sản đã có những bước tiến nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, nhiều loại thức ăn cân bằng dinh dưỡng và có khả năng nâng cao sức khỏe của thủy sản nuôi đã được nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất…
Trước năm 1990, thức ăn cho thủy sản Việt Nam chủ yếu là cá tạp, phân bón cho ao hồ, thức ăn đơn lẻ như cám gạo… Thức ăn công nghiệp chỉ bắt đầu xuất hiện trong thập niên 90, với việc nhập khẩu thức ăn viên cho tôm sú nuôi công nghiệp. Việt Nam bắt đầu sản xuất thức ăn viên cho tôm năm 1996 và cho cá năm 1998. Năm 2005, cả nước có khoảng 23 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản; trong đó, 13 nhà máy sản xuất thức ăn viên cho tôm như Uni-President, C.P, Grobest…; sản lượng hàng năm thức ăn tôm khoảng 150.000 – 200.000 tấn. Về thức ăn cho cá, trên 15 nhà máy như Proconco, Cargill, Uni-President, Việt Thắng…; với tổng sản lượng khoảng 400.000 – 500.000 tấn (Theo Hung, L.T. và H.P.Việt Huy 2006; FAO).
Đến năm 2013, cả nước có khoảng 130 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, sản xuất trên 4.500 tấn sản phẩm và 110 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung với 311 sản phẩm được lưu hành, tổng sản lượng khoảng 3,7 triệu tấn/năm.
Quản lý thức ăn
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN), thức ăn thủy sản đang là những vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng trên 27 triệu tấn TĂCN, thủy sản các loại, trong đó có 17 – 18 triệu tấn TĂCN công nghiệp.
Nhờ có chủ trương và cơ chế chính sách hợp lý, tạo sức hấp dẫn cho thị trường TĂCN Việt Nam mà sau 20 năm từ khi có chính sách mở cửa thị trường, đã đưa Việt Nam từ nhóm nước lạc hậu về công nghiệp chế biến TĂCN trở thành nhóm nước phát triển nhất trong khu vực. Công nghệ và chất lượng TĂCN cũng không ngừng được cải thiện với giá cả cạnh tranh. Đây cũng là lĩnh vực thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế rất cao, Việt Nam đã có mặt hầu hết những công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới về năng lực sản xuất, kinh doanh TĂCN. Thị trường TĂCN Việt Nam đang là thị trường sôi động nhất trong khu vực, đã có trao đổi hàng hóa với 65 nước và vùng lãnh thổ với khối lượng hàng hóa trung bình 9 – 10 triệu tấn/năm, kim ngạch 4 – 4,5 tỷ USD.
Ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, công tác quản lý thức ăn thủy sản đã được đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ trong việc đăng ký lưu hành sản phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh; cùng đó là việc thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, phân phối sản phẩm thức ăn thủy sản từ theo kế hoạch sang hình thức đột xuất; phối hợp với lực lượng Công an và các địa phương nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm. Chính vì vậy, việc thực hiện các quy định về quản lý vật tư đầu vào (trong đó có thức ăn) thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, tình hình sản xuất và phân phối sản phẩm thức ăn thủy sản hiện cũng còn những bất cập nhất định như nhiều cơ sở, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ lại trên địa bàn rộng; trong khi lực lượng thanh, kiểm tra còn mỏng nên việc kiểm tra chưa thực hiện liên tục. Mặt khác, về phía các địa phương cũng còn hạn chế về nguồn lực và đầu tư nên công tác phát hiện, xử lý còn hạn chế…
Việc ra đời Nghị định 39 được đánh giá là có nhiều ý nghĩa trong quản lý sản xuất, kinh doanh TĂCN, thủy sản hiện nay và nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp.
Nghị định này có nhiều điểm mới so với Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 của chính phủ.
Tại Nghị định 39, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, sản xuất, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn thủy sản trong nước và các chính sách khác, trong đó có việc dành thêm quỹ đất và tín dụng ưu đãi cho việc trồng, thu hoạch, bảo quản, sản xuất, gia công, chế biến nguồn nguyên liệu thức ăn thủy sản trong nước. Cùng đó, đầu tư và xã hội hóa đầu tư nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng thức ăn thủy sản. Đối với việc quản lý TĂCN chứa kháng sinh, Nghị định đã quy định không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản.
TĂCN thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam là TĂCN, thủy sản được Bộ NN&PTNT xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có), được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT. Và phải đáp ứng các yêu cầu như: Phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có). Mỗi sản phẩm TĂCN, thủy sản có một tiêu chuẩn chất lượng được công bố chỉ được đặt một tên thương mại tương ứng.
Về cơ quan kiểm tra chất lượng thức ăn xuất, nhập khẩu là cơ quan chức năng nhà nước và tổ chức được Bộ NN&PTNT chỉ định là tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng TĂCN, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu.
>> Ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản: Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thức ăn thủy sản, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các đơn vị có liên quan; đồng thời, đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm; giúp người nuôi trồng thủy sản tiếp cận được với những sản phẩm chất lượng, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. |