Những ngày này có mặt tại các bãi biển của một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… mới thấy được khung cảnh nhộn nhịp của các du khách đến du lịch, nghỉ dưỡng và tắm biển. Ngành du lịch các địa phương này đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và thương hiệu “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”.
Bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình) thu hút khách du lịch Ảnh: CTV
Sôi động trở lại
Dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, các bãi biển ở Hà Tĩnh đã đón gần 380.000 lượt khách, tăng 173% so cùng kỳ năm 2016, trong đó, hơn 8.000 lượt khách quốc tế. Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Xuân Thành Phạm Anh Tuấn cho biết, lượng khách đến nghỉ ở đây trong dịp vừa qua đã tăng đột biến, vượt mức dự kiến của Ban quản lý, cho thấy du khách không còn tâm lý e ngại như mùa du lịch năm trước. Chỉ riêng trong ngày 30/4 bãi biển Thạch Hải của Hà Tĩnh đã đón khoảng hơn 4.000 khách, trong đó có nhiều đoàn khách đến từ Hà Nội, Hải Phòng.
Sau sự cố môi trường biển vào giữa tháng 4/2016, du lịch 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình gần như “rã cánh”; các bãi biển, nhà hàng, khách sạn… vắng lặng. Nhưng rồi biển dần dần được hồi sinh; du khách từ e dè đã mạnh dạn, tự tin khi đến với biển Quảng Bình. Các bãi biển đẹp như Bảo Ninh, Nhật lệ, Mỹ Cảnh, Quang Phú… đã trở lại sự ồn ã, tấp nập. Chị Phan Thị Thủy (ở Hà Nội) cùng chồng và hai con đã chọn biển Quảng Bình để nghỉ ngơi cuối tuần. “Hơn năm nay nhớ hải sản biển Quảng Bình mà không thể nào vào được. Bây giờ thì thoải mái rồi. Có thể tháng sau, cả nhà lại vào thêm lần nữa” – chị Thúy vui vẻ cho hay.
Sự hồi phục của du lịch biển, cũng giúp cho các nhà hàng, quá ăn ven biển hồi sinh lại. Ông Trần Văn Quyết, chủ quán Kiên Quyết không còn ngồi buồn trên ghế dưới gốc cây phi lao ngóng khách như trước đây nữa; ông chạy đi chạy lại, xếp xe cho khách, điều hành nhân viên phục vụ đến oải người nhưng nét mặt thì rạng rỡ.
Phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, du lịch biển khu vực miền Trung nói riêng, các tỉnh ven biển trong cả nước nói chung vẫn còn những hạn chế nhất định đó là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, việc quảng bá còn thiếu chuyên nghiệp, chưa thật hiệu quả, riêng lẻ, không có được sự liên kết cần thiết để giới thiệu về du lịch vùng như một điểm đến chung.
Gần đây, với sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, ngành du lịch các tỉnh mới thật sự quan tâm, chuyển hướng sang xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, khám phá hang động, rừng núi và đang từng bước mang lại hiệu quả, thu hút du khách như cách mà ngành du lịch tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực triển khai. Mặt khác, chính quyền và ngành du lịch các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ sở kinh doanh du lịch và những người tham gia vào các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách, không để xảy ra tình trạng kinh doanh kiểu chụp giật, vì lợi ích trước mắt, ép khách, tăng giá vô tội vạ. Khách đông mà vẫn giữ được chất lượng phục vụ tốt, giá không tăng và có thái độ ứng xử văn hóa với khách; đó là những bảo đảm cho một sự phát triển bền vững của ngành du lịch các tỉnh trong khu vực.