Ngày 1/7/2011, Luật An toàn thực phẩm bắt đầu đi vào cuộc sống kèm theo hàng loạt các thông tư, quyết định… hướng dẫn thực thi. Tại cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tổ chức hôm qua (2/5) tại TP Hồ Chí Minh, hầu hết các doanh nghiệp ngành thủy sản đã phản ánh thực tế việc áp dụng luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, P.CT Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết kiểm nghiệm lô hàng là cách tiếp cận chính bên cạnh việc kiểm soát điều kiện sản xuất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chi phí kiểm nghiệm đang trở thành gánh nặng với doanh nghiệp khi họ phải trả mức phí tăng trung bình từ 1,5 – 2 lần so với trước khi có luật. Ngoài ra, việc lấy mẫu, thủ tục kiểm soát… khiến cho lô hàng thủy sản phải mất thêm 7-10 ngày đang làm giảm hẳn năng lực và lợi thế cạnh tranh.
Xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn do những bất cập từ công tác quản lý của ngành chức năng.
Theo số liệu của VASEP, chi phí kiểm nghiệm phải trả cho các trung tâm vùng thuộc Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản trung bình 5-15 triệu đồng/lô hàng xuất khẩu. Chỉ tính doanh nghiệp cỡ trung bình, mức phí hàng năm cho riêng hoạt động kiểm nghiệm lên đến hàng tỷ đồng.
Ở một góc độ khác, nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu là yếu tố quan trọng, cũng như quyết định sự tồn tại và hiệu quả kinh doanh của bất cứ một doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư lớn cho liên kết người nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng nuôi theo các tiêu chuẩn chất lượng… đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, mức độ và số lượng lô hàng bị nước ngoài cảnh báo hiện không có dấu hiệu giảm, dù ngành chức năng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tăng cường vào thành phẩm trước xuất khẩu.
Dựa trên những bức xúc thực tế, các doanh nghiệp cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng kiểm soát điều kiện sản xuất, không áp dụng việc lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc lô hàng làm điều kiện cấp chứng thư xuất khẩu. Cơ quan chức năng nên kiểm tra cả phần "gốc" là nguyên liệu đầu vào chứ không chỉ kiểm tra mỗi phần "ngọn" là dư lượng kháng sinh. Cần giảm giá thành phí kiểm nghiệm xuất khẩu để tăng khả năng cạnh tranh và không áp dụng biện pháp mang tính trừng phạt như ngừng xuất khẩu. Ngoài ra cần thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và những yếu tố rủi ro an toàn thực phẩm theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay…
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang xem xét bãi bỏ những quy định không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Những quy định khác về kiểm tra an toàn thực phẩm, tài chính… mà doanh nghiệp đang bức xúc sắp tới sẽ có sự điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Tất cả là nỗ lực của Bộ trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, tạo thêm nhiều cơ hội làm ăn giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn về thị trường nhập khẩu hiện nay”, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kết luận.
Lê Nghĩa
Theo Báo Tin Tức