Tổng cục Thủy sản: Họp báo về việc EU rút “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) có cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản đánh bắt trên biển từ Việt Nam, chiều 25/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chủ trì cuộc họp báo nhằm thông tin về những vấn đề quan trọng trong đó có việc triển khai nhiều hoạt động để EU sớm rút cảnh báo này.

Ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài

Ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài

Tổng Cục Thủy sản cho biết, từ ngày 13 – 19/5/2017, đoàn công tác DG-MARE của EU vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định của EU về IUU. Qua kết quả kiểm tra, EU cho rằng hoạt động quản lý khai thác thủy sản của Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EU về IUU. Theo đó, đưa ra 5 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam phải hoàn thành trước 30/9/2017: hoàn thiện thể chế; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế cho biết, phía Việt Nam đã tích cực triển khai khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), trong đó, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan tích cực đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ để hoàn tất thủ tục Việt Nam gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc và Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO. Tuy nhiên, do đặc thù nghề cá Việt Nam là nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ, đa loài, trình độ ngư dân thấp, trang thiết bị trên tàu lạc hậu nên việc áp dụng các biện pháp để giải quyết các khuyến nghị của EC chưa được triệt để, vẫn còn một số nội dung mà theo đánh giá của EC vẫn cần tiếp tục hoàn thiện; kỹ thuật lập pháp của Việt Nam và EU có khác nhau nên EC vẫn cho rằng việc hoàn thiện thế chế là chưa đạt yêu cầu.

Quyền Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai cho biết, việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển, không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng. Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hải sản vẫn được diễn ra bình thường. Tuy nhiên, sẽ có những tác động nhất định, như: Các lô hàng bị tăng tuần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu từ Việt Nam (có thể lên đến 100%), dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.

Giải pháp trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ IUU đến năm 2025. Thành lập tổ công tác liên ngành do Bộ NN&PTNT làm Tổ trưởng với sự tham gia của các Bộ, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để chỉ đạo, điều phối triển khai các biện pháp khắc phục thẻ vàng của EU. Tổ chức các đoàn đàm phán, đối thoại để EU hiểu và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai, đáp ứng các khuyến nghị của EU; tiếp tục biên dịch Luật Thủy sản sửa đổi và các văn bản dưới luật khi được sửa đổi ban hành để cung cấp cho EU. Đối với các địa phương, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, nhằm lý tàu cá khai thác không vi phạm về IUU, ngặn chặn, chấm dứt tàu khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản, bắt buộc tàu cá phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định…

Nguyễn Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!