Cà Mau xử lý tình trạng phá rừng bãi bồi để nuôi sò huyết

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, người dân xóm 14 Chủ, ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân (Cà Mau) rất bức xúc trước việc một số đối tượng thuê mặt nước nuôi sò huyết tại đây đã tự ý phá rừng bãi bồi, nhằm mở rộng diện tích thả nuôi…

Rừng bãi bồi giờ đây bị phá tan hoang.

Rừng bãi bồi giờ đây bị phá tan hoang.

Khoảng 10 giờ ngày 26/1, có mặt tại khu vực bãi bồi dọc tuyến sông Bảy Háp, phóng viên TTXVN đã ghi nhận có hàng trăm m2 rừng mắm tại đây bị phá. Không những thế, các đối tượng còn đưa xe cơ giới vào nạo, hút bùn từ bãi bồi rồi đổ thẳng ra sông khiến một khúc sông Bảy Háp đục ngầu… 

Theo anh Võ Văn Cường ngụ tại xóm 14 Chủ, ấp Rạch Chèo, hầu hết người dân trong khu vực sinh sống bằng nghề nuôi tôm. Trong khi đó, bãi bồi bị phá và bùn đổ ra sông khiến bà con không thể lấy nước vào vuông tôm, vì thế người dân nơi đây rất bức xúc. 

Qua tìm hiểu, diện tích mặt nước bên ngoài bãi bồi đã được địa phương cho thuê nuôi sò huyết từ lâu, nhưng nay các đối tượng này lại muốn mở rộng diện tích nuôi bằng cách phá bãi bồi. Đặc biệt, những đối tượng đã triệt hạ rừng mắm dùng để chắn sóng cho khu dân cư bên trong. Ông Nguyễn Văn Nam ngụ xóm 14 Chủ, ấp Rạch Chèo, cho biết: “Rừng bãi bồi bị phá không những ảnh hưởng đến sản xuất của bà con mà về lâu dài, tình trạng sạt lở sẽ ảnh hưởng đến tuyến dân cư bên trong bãi”. 

Theo phản ánh của người dân tại đây, những người thuê bãi bồi liên tục thực hiện hành vi trái phép trên, bất chấp phản ứng của người dân. Ông Phan Văn Tiến, ngụ cùng địa phương, bức xúc nói: “Tôi đã hai lần xuống UBND xã Rạch Chèo để báo về tình trạng này. Cả hai lần xã đều cho người đến để lập biên bản, tuy nhiên tình trạng không có gì thay đổi, họ phá vẫn cứ phá”. 

Khuôn viên nuôi sò của các đối tượng tại xã Rạch Chèo.

Khuôn viên nuôi sò của các đối tượng tại xã Rạch Chèo.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo Dương Thanh Hải xác nhận, ngày 25/1 tại khu vực bãi bồi có tình trạng một số đối tượng đưa xe cơ giới vào nạo vét, hút bùn đổ trực tiếp xuống sông Bảy Háp. Thấy việc làm trên ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và việc nuôi tôm của bà con trên địa bàn nên xã đã cử cán bộ đến lập biên bản và mời các đối tượng trên về xử lý, buộc các đối tượng không được tiếp tục thực hiện hoạt động trên. “Tình trạng này đã được xử lý dứt điểm và đã phạt hành chính những đối tượng vi phạm theo quy định. Đến sáng 26/1, xã phân công cán bộ đến kiểm tra lại thì tình hình đã chấm dứt”, ông Hải khẳng định. 

Về biện pháp xử lý đối với diện tích rừng mắm đã bị chặt phá, theo ông Hải, khu vực này không có cây rừng mà chỉ là những cây mắm non mọc trên bãi bồi. Tuy nhiên, khi được phóng viên cho xem những hình ảnh ghi lại vào sáng 26/1, ông Hải nói: Ngày 25/1, xã đã xử lý dứt điểm nhưng sự việc sáng 26/1 thì chưa kịp thời phát hiện. Việc các hộ tự ý bơm bùn đổ trực tiếp ra sông là sai, việc chặt rừng mắm ở khu vực bãi bồi cũng sai. Nhưng việc cho thuê khu vực đất bãi bồi là chủ trương của xã và đã thông qua Hội đồng nhân dân xã nhằm “tạo nguồn thu khác ngân sách” cho địa phương. 

Vị lãnh đạo xã này đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên, theo đó xã đã cho thuê khoảng 4 hay 5ha diện tích bãi bồi với giá thuê một năm là 300.000 đồng/ha. Trên tuyến sông Bảy Háp có 5 – 6 hộ thuê bãi bồi để nuôi sò huyết giống. Những hộ đang thực hiện hành vi trái phép nói trên là hộ ông Ngô Trường Sơn và Nguyễn Văn Trung với diện tích thuê là khoảng 2ha.

Sau khi làm việc tại UBND xã Rạch Chèo, trong chiều 26/1, phóng viên trở lại hiện trường và thấy các hoạt động nạo vét, hút đất bãi bồi vẫn diễn ra bình thường. Các hoạt động trên chỉ chấm dứt vào khoảng 15 giờ 15 phút cùng ngày khi lực lượng chức năng địa phương có mặt. Đáng chú ý là, các hoạt động trái phép trên được thực hiện giữa ban ngày và cách UBND xã Rạch Chèo chưa đến 2km. 

Để khắc phục hiện trạng bãi bồi, ông Dương Thanh Hải cho biết, địa phương sẽ cấm không cho những hộ này tiếp tục bơm, hút bùn đổ ra sông, đồng thời buộc khắc phục hiện trạng ban đầu của bãi bồi. “Còn về diện tích rừng mắm bị chặt phá, nếu xét điều kiện chỗ nào bãi cao sẽ cho trồng khắc phục lại”, ông Hải cho hay. 

Những năm qua, Cà Mau là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó, nạn sạt lở bờ sông, bờ biển đã khiến Cà Mau mỗi năm thiệt hại nhiều tỷ đồng. Công tác phòng chống sạt lở của Cà Mau vốn đã khó khăn và có lẽ sẽ càng khó hơn với cách quản lý như ở xã Rạch Chèo – một địa phương nằm sát bên bờ biển Tây.

Tin, ảnh: Huỳnh Anh

TTXVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!