“Xác định giống là vấn đề trọng tâm trong quản lý nên trong năm 2017 Tổng cục Thủy sản đã tăng cường công tác kiểm tra chất lượng. Sang năm 2018, sẽ có nhiều chính sách để thắt chặt hơn vấn đề này”, đó là chia sẻ của ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (ảnh).
Tình hình sản xuất giống thủy sản năm 2017 đã đạt được những kết quả nổi bật nào thưa ông?
Để sản xuất thủy sản phát triển bền vững theo đúng mục tiêu tái cơ cấu ngành thì cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó có công tác sản xuất và cung ứng giống chất lượng đến người nuôi. Trong năm 2017, chúng ta đã làm tốt công tác xây dựng kế hoạch mùa vụ, chỉ đạo sản xuất, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật… do đó việc cung ứng giống các loài thủy sản nói chung và các đối tượng chủ lực như tôm nước lợ, cá tra, hay nhuyễn thể cơ bản không có biến động lớn. Về tôm nước lợ, có 2.422 cơ sở sản xuất giống (khoảng 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống TTCT), với sản lượng ước đạt 130 tỷ con, cơ bản cung ứng đủ nhu cầu giống cho trên 700 ha diện tích nuôi cả nước.
Về cá tra, với khoảng 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, có thể sản xuất được trên 25 tỷ cá bột; hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích hơn 2.250 ha, đảm bảo cung ứng khoảng 2,2 tỷ cá tra giống cho các vùng nuôi.
Về sản xuất giống nhuyễn thể như ngao/nghêu, hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, sò huyết… cơ bản đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhân tạo. Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất giống nhân tạo trong nước mới đảm bảo được một phần; phần còn lại vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu hoặc khai thác tự nhiên (tùy từng loài).
Nhìn chung, việc nghiên cứu nâng cao chất lượng đàn bố mẹ, công tác sản xuất và ương giống các đối tượng chủ trong năm qua đã có những bước tiến. Chất lượng con giống được cải thiện; tổ chức liên kết trong sản xuất tăng lên; công tác quản lý nhà nước được tăng cường; người nuôi có ý thức lựa chọn phẩm giống chất lượng… đã góp phần tạo nên thành công cho vụ sản xuất năm 2017.
Sang năm 2018, theo ông cần những giải pháp nào để tăng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống?
Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quản lý chất lượng giống thủy sản; trong đó chú trọng các đối tượng giống chủ lực như: Tôm sú, TTCT, cá tra, cá rô phi và các đối tượng có giá trị kinh tế. Nỗ lực chủ động được các công nghệ sản xuất giống, tránh tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu và khó kiểm soát chất lượng con giống. Tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng giống, đặc biệt tăng cường các đoàn thanh tra đột xuất, ngăn chặn các cơ sở sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, tôm đầm cho sinh sản cung cấp tôm giống ra thị trường gây thiệt hại cho người nuôi. Đây vẫn sẽ là những chính sách chính để cho ngành giống thủy sản đảm bảo các tiêu chí chất lượng, tạo nền móng đẩy mạnh các chính sách phát triển khác cho con giống.
Ông có lời khuyên nào dành cho người nuôi thủy sản nói chung và tôm nói riêng trong khâu chọn giống để đảm bảo vụ nuôi thành công trong năm 2018?
Người nuôi thủy sản cần tuân thủ các quy định trong sản xuất thủy sản và thả nuôi theo khung mùa vụ được ban hành. Hơn nữa, cũng cần đặt con giống lên vị trí số 1, nên ưu tiên chọn lựa giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín trên thị trường.
Riêng đối với tôm, với sản xuất công nghiệp quy mô lớn, các cơ sở sản xuất đó đã liên kết chặt với nơi sản xuất giống và mua được các giống tốt. Nhưng đối với người dân nuôi nhỏ lẻ với số lượng ít thì khó tiếp cận với cơ sở sản xuất giống tốt. Do đó, mọi người cần liên kết lại với nhau cùng các cơ quan quản lý để chọn được tôm giống tốt. Việc liên kết cũng giúp giảm chi phí đầu vào khi mua số lượng đủ lớn mà không cần qua trung gian, chất lượng tôm giống cũng được đảm bảo. Đây là một trong những phương thức để người dân tiếp cận được với giống nuôi chất lượng.
Trân trọng cảm ơn ông!