Hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay tại Kiên Giang, nhằm bàn các giải pháp, kế hoạch thả nuôi tôm năm 2018 và triển khai kế hoạch hoành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn chủ trì.
Toàn cảnh Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển ngành tôm năm 2018 tại Kiên Giang
Hội nghị cũng thu hút sự tham gia của đại diện các tỉnh, thành ven biển có nuôi tôm, các doanh nghiệp, hiệp hội nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm, các viện, trường và người nuôi tôm trong khu vực.
Thông tin từ Tổng cục Thủy sản, năm 2017, sản lượng tôm nuôi đạt 704.868 tấn, trong đó tôm nước lợ đạt 689.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu năm 2017 trên 3,85 tỷ USD, tăng 22,3% so cùng kỳ năm 2016. Hiện, có 25/28 tỉnh ven biển đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng cũng đã được Tổng cục Thủy sản phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, ngành tôm năm qua cũng đối diện với nhiều thách thức về con giống; giá thành sản xuất, hạ tầng cơ sở, công nghệ. Năm 2018, theo dự báo thời tiết và khí hậu có những diễn biến khó lường cùng sự xuất hiện ngày càng nhiều đập thủy điện ở thượng lưu sông Mê Kông dẫn đến khả năng điều tiết nước ngọt gặp nhiều khó khăn sẽ là một trong những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Cùng đó, sự tăng giá của một loạt các ngoại tệ sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi tôm. Sản lượng tôm của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan đang trên đà phục hồi sẽ là yếu tố canh tranh quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Năm 2018 là năm chúng ta triển khai thực hiện Luật thủy sản và cải cách hành chính. Nhấn mạnh vai trò hậu kiểm, tăng cường sự tự giác của người sản xuất. Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ để Tổng kết 5 năm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm xác định rõ hơn con tôm trong cơ cấu sản xuất của ngành thủy sản quốc gia. Các địa phương cần tham mưu cho chính quyền triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến 2025. Cùng đó, vấn đề chính trong năm 2018 cần phải tập trung tăng năng suất chứ không phải mở rộng diện tích. Việc ứng dụng công nghệ cao vào từng dự án sản xuất, từng khu, vùng, vụ nuôi tập trung sẽ cần phải được chú trọng… tín hiệu từ Viêt – Úc, Minh Phú cho thấy chúng ta có thể hoàn toàn giải đáp được. Tiếp đó là phải nâng năng suất ở khu vực quảng canh cải tiến “tôm – lúa; tôm – rừng”, đây là vấn đề mà các địa phương cần phải chủ động.