Cùng với nuôi trồng, lĩnh vực khai thác thủy sản cũng ngày một phát triển, tuy nhiên, làm thế nào để khai thác hiệu quả, đúng quy định, bảo vệ nguồn lợi là giải pháp được các cấp, ngành và nhiều địa phương ven biển quan tâm trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
Bến neo đậu tàu cá Lý Sơn
Tổ tự bảo vệ tài nguyên môi trường biển
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm (2016 – 2017) công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, ban, ngành tổ chức 23 lớp tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo cho hơn 8.800 lượt người tham gia, 152 buổi tuyên truyền trực tiếp cho hơn 34.000 người dân. Đồng thời, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu; hướng dẫn việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá trên biển và hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro thiên tai.
Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng đưa bài giảng “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa” vào trong môn Lịch sử tại các trường phổ thông; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người trong bảo vệ chủ quyền biển đảo với 37.000 lượt học sinh tham gia; thành lập 51 tổ tự quản tàu thuyền và vận động 7 phương tiện/72 lao động tham gia cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thông tin, hằng năm, huyện đều mở lớp tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các quy định liên quan đến ngư trường, biển đảo cho toàn thể ngư dân trên huyện. Đồng thời, phối hợp với Vùng Cảnh sát Biển 2 mở các lớp tuyên truyền cho 406 ngư dân và các cơ quan liên quan. Cùng đó, thông qua 2 nghiệp đoàn nghề cá của huyện, chính quyền địa phương cấp phát hơn 1.000 tờ rơi cho trên 500 tàu thuyền. Nhờ đó, số vụ vi phạm pháp luật giảm qua từng năm, từ chỗ năm 2014 có 7 trường hợp/7 phương tiện/96 lao động xâm phạm trái phép vùng biển các nước để khai thác hải sản, thì đến năm 2016 chỉ còn 3 trường hợp/3 phương tiện/45 lao động và tính đến tháng 5/2018 chưa có trường hợp nào.
Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc hải sản
Thu mua cá tại cảng cá Bình Châu – Bình Sơn – Quảng Ngãi
Tỉnh Quảng Ngãi đang từng bước đưa hoạt động khai thác thủy sản đi vào nề nếp, đồng thời khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo đó, địa phương đã đưa vào hoạt động 2 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại khu neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa và cảng cá Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Mỗi chuyến tàu trước khi ra khơi đều được kiểm tra nghiêm ngặt; thuyền trưởng phải khai báo thông tin liên quan đến hồ sơ giấy tờ, ngư trường khai thác; khi đảm bảo đủ các điều kiện thì mới được cấp phép đi khai thác.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Thanh tra viên chuyên ngành thủy sản, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết, sau khi tàu cá trở về bến phải thông báo cho văn phòng kiểm soát nghề cá trước 2 giờ để tổ chức kiểm tra, kiểm soát nhằm xác minh nguồn gốc thủy sản khai thác. Ban đầu, ngư dân còn bỡ ngỡ nên cán bộ phải xuống từng tàu thông báo, tuyên truyền làm giấy xác nhận đối với những tàu ra vào cảng. Khi tàu vào bến mà chủ tàu không chứng minh được nguồn gốc thủy sản khai thác thì văn phòng sẽ tiến hành lập biên bản; trường hợp không ghi nhật ký thủy sản, không báo cáo khai thác thì lập biên bản xử phạt theo Nghị định 103 trong lĩnh vực thủy sản. Để hoạt động này có hiệu quả, cán bộ Văn phòng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân ghi chép thông tin đầy đủ, đúng yêu cầu trước khi xuất bến và khi đánh bắt trở về.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết, Văn phòng kiểm soát nghề cá tập trung kiểm tra các tàu cá và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện cho tàu xuất bến. Sau khi các tàu này từ trên biển về thì văn phòng kiểm soát nghề cá sẽ kiểm tra, kiểm soát sản phẩm đánh bắt, nhất là kiểm tra nhật ký khai thác xem có đánh bắt nằm trong vùng biển Việt Nam hay không, đánh bắt các sản phẩm có được phép đánh bắt hay không để loại trừ khả năng tàu cá đó xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác những loài cấm khai thác. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền các quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển đến xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép và bây giờ là kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thủy sản… nhằm khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU.
Ngày 15/5/2018, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND triển khai thi hành Luật Thủy sản; nhằm xác định nội dung công việc, thời hạn, tiến độ ban hành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật; xác định cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương; nâng cao nhận thức và trách nhiệm triển khai thi hành Luật. |