(Thủy sản Việt Nam) – 6 tháng đầu năm 2012, ngành thủy sản liên tiếp đối mặt những khó khăn lớn cả về khách quan và chủ quan, với cả hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra. Đến nay, mặc dù ngành thủy sản cũng thực hiện được gần tròn nhiều kế hoạch, tuy nhiên, để có thể đạt và vượt chỉ tiêu của năm, vẫn cần tháo gỡ nhiều vướng mắc.
Sản xuất vẫn duy trì được sự tăng trưởng cả về giá trị và sản lượng so với cùng kỳ. Giá trị thủy sản ước đạt 26.884 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2011 và chiếm 33% tỷ trọng tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản. Trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt 16.879 tỷ đồng, tăng 6,8%; khai thác đạt 10.005 tỷ đồng, tăng 4,1%.
Nuôi trồng vượt khó
Theo số liệu thống kê của 16 tỉnh nuôi tôm ven biển, đến hết tháng 6/2012, tổng diện tích đã thả giống trên 614.814 ha, trong đó tôm sú là 608.196 ha với khoảng 19,1 tỷ con giống thả nuôi; tôm thẻ chân trắng là 6.619 ha với 5,6 tỷ con giống. Đến nay, diện tích thu hoạch tôm đạt 375.921 ha, sản lượng đạt 101.266 tấn.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 38.381 ha diện tích nuôi tôm bị bệnh, trong đó tôm sú là 35.823 ha, tôm thẻ chân trắng là 2.499 ha, tập trung tại các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang chủ yếu với diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, tổng thiệt hại ước tỉnh khoảng 5.500 tỷ đồng. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân chính là do sốc môi trường, bệnh đốm trắng, gan tụy, con giống kém chất lượng, ao nuôi không được cải tạo kỹ, một số ao bị bệnh xả nước thải chưa được xử lý ra môi trường xung quanh.
Trong thời gian qua, sản xuất thủy sản của nước ta vẫn chịu tác động của thời tiết, dịch bệnh – Ảnh: Phan Thanh Cường
Còn đối với cá tra, 6 tháng đầu năm 2012 đánh dấu những biến động lớn, đặc biệt về giá. Theo báo cáo của các địa phương, diện tích đang nuôi cá tra khoảng 4.174 ha, thấp hơn năm 2011, nguyên nhân là do giá thức ăn tăng, giá cá nguyên liệu giảm… Đến nay, diện tích đã thu hoạch là 2.057 ha, sản lượng cá lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 554.515 tấn, năng suất bình quân 269,6 tấn/ha. Giá cá nguyên liệu ở ĐBSCL từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 5/2012 giảm so với cùng kỳ, dao động từ 21.500 – 24.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi không có lãi và lỗ.
Khai thác thuận lợi
Tác động bước đầu của các cơ chế chính sách từ các Quyết định 289 và Quyết định 48 khi đi vào cuộc sống đã tạo điều kiện cho ngư dân bám biển sản xuất và làm ăn có lãi, mặc dù thời gian qua vẫn liên tục có sự biến động của giá xăng song trên thực tế được đánh giá là tác động không lớn đến sản xuất khai thác thủy sản như những năm trước đây.
Từ đầu năm, tại các tỉnh phía Nam, ngư dân liên tiếp có những chuyến biến đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay, đặc biệt là trong tháng 2 và đầu tháng 3. 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1.278 nghìn tấn, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, khai thác biển đạt 1.197,4 nghìn tấn, tăng 2,05% và khai thác nội đồng đạt 83,6 nghìn tấn, tăng 2,15%.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 25/5/2012, các địa phương đã hỗ trợ được 641 máy thông tin liên lạc cho tàu cá và đã có 9/19 tỉnh, thành lắp đặt đài bờ; 1.022 tàu cá được lắp máy thông tin VXX-1700. Ngoài ra, việc thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển với phương châm cùng ngư trường, cùng nghề, cùng nơi cư trú, qua triển khai tại một số địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Hải Phòng… cho thấy hiệu quả khả quan. Đến nay, cả nước đã có hơn 3.000 tổ đội sản xuất với khoảng 18.000 tàu cá tham gia; thí điểm thành lập 13 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn và tổ chức điều hành bài bản từ quy chế hoạt động, góp vốn… bước đầu đã được các địa phương ủng hộ và ngư dân đón nhận…
Vướng mắc cần tháo gỡ
Sản xuất thủy sản còn chịu tác động bởi thời tiết, dịch bệnh. Ngay từ những tháng đầu năm, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ diễn biến phức tạp, lan rộng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, những tháng đầu năm nay, dịch bệnh xảy ra trên tôm gay gắt hơn về cả mức độ và phạm vi. Nếu như năm ngoái chỉ xảy ra một số tỉnh miền Đông Nam bộ thì năm nay xảy ra ở hầu hết các tỉnh ven biển trên cả nước.
Đánh giá về kết quả nuôi trồng thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính cho rằng, việc xây dựng quy hoạch phát triển, quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản theo vùng, miền còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu. Tính khả thi của một số quy hoạch chưa cao; quy hoạch nuôi các đối tượng chủ lực, các đối tượng kinh tế chưa được triển khai, giám sát thực hiện, hướng dẫn thực hiện ở một số địa phương còn chậm và thiếu phối hợp giữa các ngành, tổ chức liên quan, công tác chỉ đạo thực hiện quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức.
Còn trong khai thác, việc tổ chức mạng lưới thu mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng vẫn chưa thực sự có lời giải tốt cho bài toán quan hệ giữa thương lái, nậu vựa với ngư dân, doanh nghiệp. Trong đó, nổi lên là hạn chế trong tổ chức thu mua của nậu vựa, doanh nghiệp trong nước và sự phụ thuộc vào thương lái người nước ngoài. Điều này đã làm tổn thất trong khai thác thủy sản vẫn ở mức 20-25%.
Mặt khác, 6 tháng đầu năm, số lượng tàu vi phạm các vùng biển các nước chưa giảm. Việc ngư dân chạy theo lợi nhuận bất chấp luật pháp, cố tình vi phạm các vùng biển các nước phổ biến hơn đã gây nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước…
Những vướng mắc này cần phải được tháo gỡ triệt để và đồng bộ, có như vậy mới đảm bảo để ngành thủy sản đạt và vượt kế hoạch đề ra, đồng thời, làm tiền đề cho những bứt phá năm 2013.
>> So với các chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 2,6 triệu tấn, đạt 49% kế hoạch năm, tăng 3,2% so với cùng kỳ (trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 43%, tương đương khoảng 1,31 triệu tấn; khai thác thủy sản đạt 58%, tương đương trên 1,28 triệu tấn).