Thượng tọa Thích Chân Quang được công chúng rộng rãi biết đến với nhiều bài giảng gắn với đời sống xã hội hiện đại. Nhân dịp Tết đến xuân về, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn thượng tọa Thích Chân Quang về vấn đề xây dựng đạo đức trong xã hội hôm nay.
PV: Thưa thượng tọa, người ta thường đánh giá sự phát triển xã hội dựa vào chỉ số thu nhập GDP, nhưng GDP sẽ là không đủ nếu như đạo đức xã hội không được giữ gìn thậm chí xuống cấp. Thượng tọa có thể nói gì về điều này?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Chúng ta có thể định lượng được GDP nhưng chúng ta chưa có công cụ để định lượng được mức độ hạnh phúc của con người và đạo đức của con người và của xã hội. Mục tiêu của một xã hội là đem đến hạnh phúc cho con người, thu nhập đầu người GDP tất nhiên là quan trọng nhưng không phải là chỉ số duy nhất mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có đạo đức. Đạo đức là điều tốt trong tâm của chúng ta, muốn làm tốt cho người khác. Người có đạo đức là những người sống trong cuộc sống cống hiến nhiều hơn là đòi hỏi thụ hưởng.
PV: Đạo đức và sự thụ hưởng liên quan đến nhau ra sao?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Trong xã hội hiện đại thì con người đề cao sự sòng phẳng, tôi cống hiến thế này, tôi phải thụ hưởng bấy nhiêu. Tôi bỏ tiền ra như thế này, tôi phải mua được số đồ vật thế kia. Thậm chí nhiều người muốn hưởng thụ nhiều hơn sự cống hiến của họ, bỏ ra ít tiền mà muốn mua được của cải nhiều hơn người khác, lao động ít mà muốn thụ hưởng nhiều, không lao động mà cũng đòi phần thụ hưởng. Xã hội như thế sẽ không có sự thặng dư. Nếu trong xã hội mà con người cống hiến nhiều hơn sự thụ hưởng thì sẽ có sự thặng dư để lo cho tương lai. Nếu xã hội giàu đạo đức, con người luôn muốn cống hiến nhiều hơn sự thụ hưởng, người này giúp người kia mà không đòi hỏi người ta phải giúp lại mình, không tranh giành, không chiếm đoạt, cưỡng đoạt cái của người khác làm ra thì ngân sách cho tòa án, nhà tù sẽ giảm đi… Không tham nhũng, không ăn cắp ngân sách, ít các vụ án, đại án thì xã hội sẽ tiết kiệm ngân sách và thời gian để làm việc khác.
PV: Trong xã hội mà công nghệ, nhất là công nghệ tin học phát triển, đạo đức đóng vai trò như thế nào?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Trong xã hội hiện đại, trí tuệ nhân tạo, robot phát triển, giúp xã hội có nhiều bước phát triển vượt trội so với trước đây, nhưng bên cạnh đó rất nhiều loại vũ khí nguy hiểm cũng được tạo ra. Nếu những kỹ sư thiết kế phần mềm mà thiếu đi đạo đức thì rất nguy hiểm vì có thể tạo ra những cỗ máy, những trí tuệ nhân tạo hoạt động vượt sự kiểm soát và khống chế của con người. Các nước chạy đua với nhau về công nghệ, về kinh tế, quân sự mà không thấy chạy đua nhau về đạo đức… Nếu đạo đức cao hơn kỹ thuật thì kỹ thuật sẽ được sử dụng để phục vụ con người. Nếu đạo đức thấp hơn thì công nghệ có thể được sử dụng để xâm chiếm, để chiếm đoạt.
PV: Vai trò của đạo đức quan trọng, nhưng trong xã hội, đạo đức nó lại khá trừu tượng, mơ hồ và không có thiết chế để thực hiện?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Trong xã hội, những nhà xây dựng đạo đức thường cô đơn. Các tôn giáo chú trọng xây dựng đạo đức, nhưng đạo đức đó cũng chỉ nằm trong một cộng đồng tôn giáo nhất định thôi, chứ không phải là một đạo đức phổ biến được công nhận và áp dụng trong toàn xã hội. Các nguyên tắc đạo đức cũng mới chỉ ở mức cơ bản thôi, nếu chúng ta nghiên cứu mở rộng ra, có thể đạo đức cũng mênh mông phong phú và hấp dẫn không kém gì trí tuệ. Khái niệm đạo đức rất trừu tượng, đạo đức thường được hiểu đó là sự tốt đẹp là cái đẹp bên trong tâm con người (như sự kiên nhẫn, lòng bao dung…), nhưng đạo đức cuối cùng cũng phải được thể hiện ra bên ngoài bằng các hành động đem lại lợi ích cho mọi người chung quanh. Chẳng hạn con người có đạo đức thì phải giúp đỡ người khác như cùng gánh vác công viêc, tạo công ăn việc làm, truyền bá kiến thức, đem đến hạnh phúc cho người khác. Người có đạo đức thì người đó phải giúp đỡ được nhiều người khác.
PV: Thưa thượng tọa, xã hội muốn giữ gìn các giá trị đạo đức thì cần phải như thế nào?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Từ khẩu hiệu giữ gìn tư cách đạo đức đi đến thực tế vẫn còn một quãng đường. Cái khó của đạo đức là nếu anh nói về đạo đức thì anh phải sống đạo đức, đó là điều khó, vì người ta sẽ không tự do vui chơi và hưởng thụ được. Nên thực tế thì có rất ít người nói về đạo đức, ít người thể hiện mình là tấm gương đạo đức để tạo gương sáng trong trong xã hội. Những ai dạy về đạo đức, nói về đạo đức, cả xã hội sẽ soi từng hành vi nhỏ nhất của họ. Có người còn nói là nếu tôi sống đạo đức thì tôi phải được gì? Phải cho tôi gì để tôi giữ đạo đức? như thế cũng lại là một sự đòi hỏi.
PV: Dư luận cho rằng nhiều vụ án lớn xảy ra bắt nguồn từ sự suy thoái đạo đức. Được biết thượng tọa cũng có nghiên cứu về Luật, vậy đạo đức ảnh hưởng thế nào đến việc phạm tội của con người?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Con người suy thoái đạo đức thì người đó thường không sợ pháp luật, họ tin rằng họ sẽ dùng nhiều cách để lách được luật. Họ cũng không sợ tội phước tâm linh gieo gió gặp bão. Khi đó con người thực dụng vị kỷ tột độ, làm mọi thứ chỉ vì lợi cho mình. Suy thoái đạo đức cũng biểu hiện ở sự không còn tôn trọng người đáng kính (gồm những người đáng kính trong các tôn giáo, những người lãnh đạo, những nhà trí thức, những nhà đạo đức)… Sự coi thường các tấm gương đạo đức, rời xa lý tưởng đạo đức sẽ dẫn tới việc rời bỏ việc thực hành đạo đức.
PV: Chống suy thoái đạo đức bằng cách gì, thưa thượng tọa?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Chống suy thoái đạo đức, trước hết cần luật pháp chặt chẽ. Pháp luật Việt Nam hiện đã tiến bộ rồi, nhưng cần phải cập nhật, tiến bộ hơn nữa. Ngoài ra, cần xây dựng những giá trị đạo đức về tâm linh về tội phước, luật nhân quả, ở hiền gặp lành. Pháp luật không phải lúc nào cũng đi theo cùng con người, khi không có người giám sát pháp luật trước mặt thì chính luật nhân quả, chính đạo đức khiến con người tự mình không phạm lỗi và tránh xa tội lỗi. Không xúc phạm coi thường những vĩ nhân, không coi thường những người có đạo đức, đó cũng là cách để đạo đức trong mỗi người được giữ gìn.
PV: Đa số tội phạm liên quan đến tiền bạc, làm sao để con người tránh xa được sự cám dỗ của đồng tiền?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Con người có đạo đức tất nhiên sẽ không bị đồng tiền làm cho biến chất. Nhưng xây dựng đạo đức là một khoa học lớn, cần có giáo dục, cần môi trường lành mạnh, cần xã hội tôn vinh đạo đức, thực hành đạo đức. Chẳng hạn nói về tiền bạc, tôn giáo thường thực hành đạo đức bố thí. Tức là ngoài làm ra đồng tiền, con người còn phải biết chia sẻ đồng tiền mình làm ra. Đạo đức bố thí chỉ có được khi con người thực hiện việc bố thí bằng chính đồng tiền có khi ít ỏi của mình. Nếu bố thí bằng tiền người khác, hoặc để làm quảng cáo đánh bóng bản thân thì đó không phải là đạo đức bố thí. Con người biết chia sẻ thành quả lao động của chính mình với người khác là đạo đức bố thí. Khi đó con người ta sẽ có cái nhìn khác đi về đồng tiền và không vì nó mà trở nên ích kỷ.
PV: Thưa thượng tọa, kinh nghiệm của thượng tọa về việc vun đắp đạo, đức cho bản thân và cho người khác là như thế nào?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Với thầy, là người thực hành tôn giáo thì cả đời thực hành đạo đức. Kinh nghiệm cá nhân một người thực hành đạo đức là cần phải có sự thiền định. Thiền định để đi đến vô ngã, khi người ta không còn bản ngã, tức là khi tình yêu thương tràn ngập, chỉ nghĩ về lợi của người khác thì đó là tột đỉnh của đạo đức. Thiền định là một trong những cách để con người đạt tới đại bi vô ngã. Thiền định bước đầu là để tâm bớt loạn, bớt suy nghĩ. Thiền định sau đó sẽ giúp con người hướng đến các giá trị đạo đức, và phát hiện những lỗi lầm sâu kín của mình.
PV: Những cám dỗ trong xã hội, như các chất kích thích chất gây nghiện, làm con người mất kiểm soát và có thể dẫn tới sự băng hoại đạo đức?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Điểm chung của các chất kích thích là gì? Đó là chúng đều đem đến sự khoái lạc, nó sẽ dẫn đến tâm lý hưởng thụ và làm tăng sự ích kỷ, khi đó con người chỉ nghĩ đến sự khoái lạc của bản thân và không nghĩ tới những người khác. Con người càng ích kỷ thì sẽ càng làm nhiều việc xấu, trái với đạo đức. Tuổi trẻ muốn tránh xa cám dỗ và tâm lý hưởng thụ thì cần phải có lý tưởng sống cống hiến. Cống hiến cho người xung quanh mình, cống hiến cho dân tộc, cống hiến cho nhân loại. Cần phải có niềm tin vào tội phước, nhân quả. Cần thượng tôn pháp luật. Thầy thường dạy các đệ tử rằng muốn sống có đạo đức thì hãy trở thành một con người sống cống hiến. Nhưng muống sống cống hiến thì phải học tập, phải có cách thức và có trình độ để cống hiến, bởi vậy cần phải thường xuyên học hỏi.
PV: Câu hỏi cuối cùng, thưa thượng tọa, rất nhiều người nghĩ rằng mình sống đạo đức nên chịu nhiều thiệt thòi hơn kẻ khác, ở hiền mà chẳng gặp lành, vậy điều này là như thế nào?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Câu hỏi của nhà báo rất hay. Nhiều người tâm sự rằng họ cảm thấy phải chịu áp lực, thiệt thòi, ức chế khi sống cuộc đời đạo đức. Nhưng nghĩ cho cùng, con người đạo đức thì nên thấy thiệt thòi của mình là vui, vì mình làm việc không phải để hưởng thụ, làm việc không phải để chờ điều gì đó may mắn hơn đến với mình, như thế mới là cuộc sống cao thượng. Với người thực hành đạo đức, không làm gì sai thì đó là niềm vui rồi, chứ không phải chờ được hưởng thụ mới là vui. Làm việc đạo đức cũng ảnh hưởng tốt đến sức khỏe con người, bộ não mạnh lên, sắc bén hơn, bởi vậy mà người ta thường nói người có đạo đức là những người sống rất thọ và giúp được rất nhiều người xung quanh họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
PV: Xin cám ơn thượng tọa!