Hiện nay, trong bối cảnh các nhà nuôi trồng, sản xuất và chế biến thủy sản trong nước chóng mặt với các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế thì vấn đề xây dựng và áp dụng VietGAP được đặt ra cấp thiết. Tuy nhiên, quá trình triển khai tiêu chuẩn này vẫn đang còn nhiều bất cập.
Giải pháp cứu cánh
Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong 5 nước có sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới, top 10 xuất khẩu thủy sản và trong top 20 nước cung cấp sản lượng thủy sản khai thác trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều rào cản từ các nước nhập khẩu. Người nuôi trồng, các nhà chế biến, xuất khẩu đang phải oằn lưng gánh các chi nhằm đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm.
Hiện nay, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra đang là thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, những mặt hàng này khi xâm nhập vào thị trường các nước xuất khẩu bắt buộc phải đạt được các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SQF 1000, ASC… Mỗi nước có một yêu cầu tiêu chuẩn riêng, nhưng điểm chung là chi phí chứng nhận đắt đỏ.
Cụ thể, người nuôi nghêu muốn có chứng nhận MSC (chứng nhận của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế) phải trả 100.000 USD ở lần đầu chứng nhận với thời hạn 1 năm và 12.000 USD/năm trong những lần chứng nhận sau; chứng nhận GlobalGAP mất 8.000 USD cho năm đầu và 2.000 USD cho các năm sau. Không những vậy, các tiêu chuẩn này có rất nhiều tiêu chí phức tạp, đơn cử như GlobalGAP có tới trên 200 tiêu chí nên hiện nay có rất ít doanh nghiệp đạt được.
Tôm sú là là một trong ba đối tượng thí điểm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP – Ảnh: Thanh Nhã
Do vậy, việc ra đời và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP do Việt Nam xây dựng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho người nuôi trồng thủy sản trong nước. Bởi VietGAP được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn GlobalGAP và ASC nên hài hòa với Bộ quy tắc ứng xử về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (CoC) của FAO và các tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng. Hơn nữa, tiêu chí mà VietGAP đưa ra gọn nhẹ và kinh phí để được cấp chứng nhận mà cơ sở nuôi chỉ phải chi trả khoảng 10.000 USD cho mỗi lần chứng nhận.
Triển khai còn khó
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cái khó nhất khi áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là điều kiện hạ tầng cơ sở nuôi trồng còn yếu. Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam chủ yếu là nông hộ quy mô nhỏ nên hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là thủy lợi và hệ thống ao chứa, ao lắng không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, áp dụng VietGAP, tức là nuôi trồng theo chuỗi, đảm bảo từ con giống đến bàn ăn, nên các trại giống phải đạt tiêu chuẩn trước, sau đó là các cơ sở sản xuất thủy sản rồi mới đến quy trình nuôi.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bến Tre, nếu cơ sở nuôi đầu tư đúng theo các nguyên tắc của quy trình VietGAP thì chi phí sẽ tăng lên khoảng 20 – 25%, nhưng giá bán sản phẩm vẫn ngang bằng với thủy sản thường, do đó sẽ rất khó để các cơ sở nuôi theo VietGAP cạnh tranh được với những cơ sở nuôi truyền thống.
Hơn nữa, hiện nay hình thức nuôi thủy sản chủ yếu là quảng canh cải tiến, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định. Ông Như Văn Cẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng mà việc triển khai VietGAP còn gặp khó khăn đó là nhận thức của người dân về VietGAP còn rất hạn chế, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chưa sâu rộng. Cơ sở vật chất trong nuôi trồng thủy sản còn nghèo nàn, chưa được nâng cấp.
Điển hình là tại Nghệ An, một trong những tỉnh được hỗ trợ mô hình ứng dụng VietGAP đầu tiên, năm 2011 Nghệ An đã triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng VietGAP tại 3 huyện là Quỳnh Lưu (gần 1 ha), Diễn Châu (3 ha), Nghi Lộc (1 ha). Tuy nhiên đến nay, qua đánh giá của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh thì chỉ có một mô hình đã đạt các tiêu chuẩn…
Hướng đi cần thiết
Ông Như Văn Cẩn chia sẻ, chủ trương của Bộ NN&PTNT là triển khai áp dụng VietGAP nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, thực hiện việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các cán bộ và hộ nuôi, phổ biến kiến thức và trình diễn các mô hình VietGAP tiêu biểu, cấp chứng nhận lần đầu cho các mô hình áp dụng VietGAP. Khuyến khích sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, hộ nuôi và nhà nước hay giữa các nhóm nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo thêm nhiều điều kiện để triển khai áp dụng VietGAP có hiệu quả. Làm được điều này, chi phí đánh giá chứng nhận và chi phí kiểm tra sẽ giảm hơn rất nhiều nếu áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.
Mặt khác, từng bước hướng tới mục tiêu là đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng như đảm bảo các vấn đề về môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bộ quy phạm cho phù hợp với thực tiễn, sớm hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, quy trình chứng nhận,xây dựng năng lực cho các cơ quan chứng nhận, khởi đầu tập trung vào các đơn vị dịch vụ công. Và để việc áp dụng VietGAP một cách hiệu quả, cần có lộ trình chứng nhận theo cấp độ áp dụng trên cơ sở các tiêu chí đạt được.
Còn cao hơn, Nhà nước cũng cần huy động nhiều nguồn vốn, hỗ trợ giá sản phẩm. Đặc biệt là định hướng, quản lý tốt khâu sản xuất từ yếu tố đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có một sự thống nhất và phải tiến hành nghiên cứu thị trường xuất khẩu cũng như đàm phán với những đối tác này để đảm bảo sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP có giá cả ổn định và cao hơn các sản phẩm khác.
>> Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, về lâu dài, khi VietGAP khẳng định được sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và được quốc tế công nhận, thì giá bán và sản lượng xuất khẩu chắc chắn sẽ cao hơn. |