Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức rà soát, tổng hợp các điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong lĩnh vực thủy sản, một số ngành nghề được quy định rất cụ thể.
Ảnh minh họa
Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá
1. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán. Có nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu theo Mục 1, Mục 2, Mục 3 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định/2019/NĐ-CP.
2. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
3. Có nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tối thiểu theo quy định tại mục 4, mục 5, mục 6 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
4. Có hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu Chi tiết điều kiện này như sau:
– Đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu vỏ thép: Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I, loại II); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại III).
– Đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu vỏ gỗ: Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại II, loại III).
– Đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu vỏ vật liệu mới: Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I, loại II); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại III).
Điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập:
– Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; khu sinh hoạt bảo đảm tách biệt với khu vực sản xuất, ương dưỡng;
– Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng.
b. Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về NTTS, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
c. Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học: Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học bao gồm các nội dung: Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng, giống thủy sản trong quá trình sản xuất; vệ sinh, thu gom và xử lý chất thải, nước thải; tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy; kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở; thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường NTTS.
d. Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Điều kiện cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản
1. Có ít nhất hai nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về NTTS, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với loài thủy sản khảo nghiệm:
Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật bao gồm:
– Có phòng thử nghiệm đủ điều kiện theo quy định hiện hành để theo dõi, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu theo đề cương khảo nghiệm;
– Trường hợp khảo nghiệm giai đoạn sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và khoản 1 Điều 20 Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Trường hợp khảo nghiệm giai đoạn nuôi thương phẩm phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản và Điều 34 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
3. Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường: Khu nuôi khảo nghiệm có biện pháp ngăn cách với khu sản xuất giống, NTTS thương phẩm khác.
Điều kiện của cơ sở đăng kiểm tàu cá
1. Được thành lập theo quy định của pháp luật. Được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập (đối với trường hợp là cơ sở đăng kiểm công lập) hoặc thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã; cơ sở đăng kiểm tàu cá phải độc lập về quản lý, độc lập về tài chính với tổ chức, cá nhân kinh doanh tàu cá, đóng mới, cải hoán tàu cá, thiết kế tàu cá;
2. Cơ cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu. Cụ thể: Đối với cơ sở loại I, loại II, loại III, có thiết bị nhập và lưu trữ dữ liệu; các thiết bị được nối mạng và truyền dữ liệu với các cơ quan liên quan về hoạt động đăng kiểm tàu cá của cơ sở; có dụng cụ, trang thiết bị phục vụ kiểm tra kỹ thuật theo Phụ lục VII Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
3. Có đội ngũ đăng kiểm viên đáp ứng yêu cầu. Cụ thể:
– Đối với cơ sở loại I: Có đăng kiểm viên trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, có ít nhất 1 đăng kiểm viên hạng I và 2 đăng kiểm viên hạng II;
– Đối với cơ sở loại II: Đăng kiểm viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, khai thác thủy sản; trong đó, tối thiểu 1 đăng kiểm viên hạng II;
4. Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp. Cụ thể:
– Loại I, II: Thiết lập và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương.
– Loại III: Có quy trình kiểm tra, giám sát kỹ thuật tàu cá phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá.
Phạm Thu