An Giang: Cá tra thực sự là thế mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Với khoảng 1.100 ha, An Giang là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn thứ hai ở ÐBSCL, chỉ sau Ðồng Tháp. Đẩy mạnh liên kết, phát triển cá tra bền vững đang được tỉnh quan tâm để con cá tra thực sự trở thành thế mạnh.

Thế mạnh của vùng

Những năm qua, nghề nuôi cá tra ở An Giang đem lại hiệu quả kinh tế khá cao nên diện tích nuôi cá tra đã gia tăng rất nhanh. Nếu đầu năm 2004, diện tích nuôi cá tra, basa toàn tỉnh An Giang chỉ khoảng 100 ha thì năm 2006 con số này đã tăng lên khoảng 700 ha và đến nay đã lên đến 1.100 ha (cả diện tích sản xuất con giống).

An Giang là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn thứ hai ở ĐBSCL – Ảnh: Thanh Nhã

Những tháng đầu năm 2012, cá giống sản xuất ước 700.000 con (tăng 78,8%), riêng cơ sở sản xuất của tỉnh đạt 22,5 triệu cá tra bột và 2,4 triệu cá tra giống. Sở NN&PTNT An Giang cho biết, diện tích nuôi cá tra hiện nay ước khoảng 950 ha (không kể diện tích sản xuất con giống), bằng 95% so với năm 2011; toàn tỉnh hiện có khoảng 2.230 lồng, bè đang nuôi cá (tăng 2%), với 115 bè nuôi cá basa (tăng hơn 10%). Tổng sản lượng thu hoạch trong 3 tháng đầu năm 2012 ước đạt 77.000 tấn, bằng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng vùng nuôi khoảng 330 ha, chiếm 34,7% diện tích và dự kiến chiếm khoảng 61% sản lượng toàn tỉnh.

 

Hướng đi bền vững

Để nghề nuôi cá tra phát triển hơn nữa và trở thành thế mạnh của tỉnh, Sở NN&PTNT An Giang đã triển khai mô hình chuỗi liên kết dọc cá tra. Mục tiêu của chuỗi liên kết là cân đối đầu vào và đầu ra, bảo đảm hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên; Dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và nâng cao năng suất hiệu quả kinh doanh của các thành viên trong chuỗi. Một số doanh nghiệp trong chuỗi liên kết dọc của tỉnh như Công ty CP Việt An, Công ty CP XNK Thủy sản An Giang và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thuận An. Các doanh nghiệp này đều có vùng nguyên liệu nuôi cá tra, một số đạt chuẩn GlobalGAP, và có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra.

Ngoài doanh nghiệp, chuỗi liên kết dọc còn bao gồm cả các cơ sở sản xuất, ươm giống, nuôi, sản xuất thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, doanh nghiệp và thị trường.

Theo bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, An Giang xác định mục tiêu phát triển mô hình liên kết đến cuối năm 2012 sẽ đạt 1.400 ha, trong đó 98% sản lượng cá nuôi theo mô hình liên kết.

>> Hiện nay, An Giang có 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản có vùng nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế SQF1000CM, GlobalGAP với diện tích 196 ha và sản lượng 115.000 tấn/năm. Gần 40% sản phẩm cá tra xuất khẩu của tỉnh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!