Gần 4 tháng nữa, Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 (VietShrimp 2020) sẽ chính thức diễn ra tại Cần Thơ. Hiện, các doanh nghiệp đang rất tích cực chuẩn bị để đem đến VietShrimp 2020 những sản phẩm mới, chất lượng cao và xây dựng kế hoạch quảng bá thương hiệu sao cho ấn tượng nhất.
Ông Nguyễn Xuân Ngân, Giám đốc thương mại Công ty NAN Biotech: Nâng cao chất lượng con tôm Việt Nam
Xác định tôn chỉ kinh doanh là đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh doanh bền vững, Công ty TNHH NAN Biotech – một đơn vị trực thuộc Tập đoàn NAN Group vận hành công cuộc kinh doanh xoay quanh 4 trọng tâm: Tự nhiên và hữu cơ; tận dụng phụ phẩm giảm thiểu lãng phí tài nguyên; đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm hoàn chỉnh hướng đến vật nuôi, cây trồng, con người và môi trường sống. Dựa trên các giá trị cốt lõi đó, Công ty đưa ra 4 dòng sản phẩm đạm thủy phân tăng trọng, men vi sinh đường ruột, vi sinh xử lý nước và yucca xử lý nước từ nguyên liệu tự nhiên, góp phần giảm thiểu sử dụng kháng sinh và hóa chất, giúp nâng cao chất lượng tôm thương phẩm và vị thế chung của con tôm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế. Song song với hướng đi đó, trong năm 2020, Công ty Nan Biotech dự kiến đưa ra thị trường các chương trình đồng hành cùng bà con bảo vệ môi trường để Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Chẳng hạn như chương trình thu gom chai nhựa đổi lấy sản phẩm, chương trình tặng túi vải thay thế túi nilon cho người dân… để tiến tới giảm thiểu rác thải khó tiêu hủy trong ngành công nghiệp nuôi tôm.
Đến với VietShrimp 2020, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp trong ngành cùng chung tay tuyên truyền vận động bà con giảm thiểu, tiến đến không sử dụng kháng sinh, không chạy theo các biện pháp nuôi trồng mang tính “ăn xổi ở thì”, để nâng cao mặt bằng chung chất lượng của con tôm Việt Nam. Có như vậy thì việc xuất khẩu tôm mới được ổn định, không bị lệ thuộc vào một vài thị trường nhập khẩu hay một vài doanh nghiệp và luôn trong tâm trạng hồi hộp tôm bị rớt giá không bán được hay không đạt chất lượng bị loại thải, bị trả về.
Các doanh nghiệp thủy sản đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học giúp nuôi tôm ngày một hiệu quả – Ảnh: CTV
Ông Dương Thanh Triều, Tổng Giám Đốc Công ty CP BQ&Q: Cơ hội để cùng nhau học hỏi, giao lưu
Khó khăn lớn nhất đối với người nuôi tôm, cá và các doanh nghiệp sản xuất hiện nay đó là “niềm tin” về chất lượng và giá thành sản phẩm dùng trong ngành NTTS. Hiểu được những khó khăn đó, đến với VietShrimp 2020 Công ty CP BQ&Q muốn xây dựng lại lòng tin nơi người nuôi và các doanh nghiệp sản xuất bằng việc cam kết đem đến tay người tiêu dùng những dòng nguyên liệu chất lượng được nhập khẩu từ các nước tiên tiến, tiêu biểu như hai dòng nguyên liệu nhập khẩu độc quyền là Yucca từ Baja Agroin, Mexico và EDTA (Dissolvine) từ Akzo Nobel, Hà Lan… với giá cả hợp lý, hướng đến sự phát triển bền vững và lâu dài của nghề NTTS, an toàn và thân thiện với môi trường, nói không với chất cấm vì nền nông nghiệp bền vững.
Đến với VietShrimp 2020, Công ty mong muốn Hội chợ Triển lãm sẽ là cầu nối để kết nối BQ&Q với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NTTS, các hộ nuôi tôm, cá… rút ngắn khoảng cách với nhau, cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những công nghệ mới, cập nhật các thông tin chuyên ngành và mục đích cuối cùng là mang lại nhiều hiệu quả cho nghề NTTS nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng. VietShrimp 2020 cũng là nơi để BQ&Q có thể giao lưu hàng hóa với các doanh nghiệp, giúp nông dân, đại lý có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm, dịch vụ mà BQ&Q cung cấp…; hướng đến mục tiêu chung giúp người nuôi có thu nhập ổn định từ ngành thủy sản, phát triển toàn diện và bền vững, cùng nhau nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam để vươn ra thế giới.
>> Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, dự báo nhu cầu thủy sản nhất là tôm tại một số nước sẽ tăng, do đó, họ sẽ tập trung nắm bắt nhu cầu của các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… để tăng đơn hàng; đồng thời tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị nâng cao khả năng chế biến, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. |
Bảo Ngọc (Ghi)