T4, 14/05/2025 10:35

VietShrimp 2025: Định vị lại ngành tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hội chợ VietShrimp năm nay với chủ đề “Xanh hóa vùng nuôi” diễn ra từ ngày 26 – 28/3 tại TP Cần Thơ đã tiếp tục chứng minh sức hút của một diễn đàn lớn ngành thủy sản. Giữa bộn bề khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu, VietShrimp 2025 trở thành điểm hội tụ lý tưởng để các bên cùng tìm giải pháp cho một ngành tôm hiệu quả hơn, bền vững hơn và “Xanh” hơn.

Nơi ngành tôm hội tụ

Lần thứ 3 trở lại TP Cần Thơ – trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng đất chín rồng trù phú, Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 6 năm 2025 (VietShrimp 2025) vẫn tiếp đón những doanh nghiệp, tập đoàn thủy sản lớn trong nước và quốc tế. Hơn 200 gian hàng của gần 150 doanh nghiệp thuộc đủ các lĩnh vực từ con giống, thức ăn, máy móc trang thiết bị, chế phẩm sinh học, thú y thủy sản,… cùng hội tụ. Đây là thành công trong sự nỗ lực của Ban Tổ chức giữa bối cảnh sản xuất tôm gặp nhiều khó khăn do áp lực từ giá cả, dịch bệnh và xuất khẩu.

Một thành công nữa được ghi nhận tại Hội chợ năm nay là số lượng khách tham quan đông đảo từ sáng khai mạc cho đến chiều ngày cuối cùng của Hội chợ. Theo thống kê sơ bộ, VietShrimp năm nay đã tiếp đón gần 20.000 lượt khách tham quan triển lãm và đông đảo đại biểu tham dự bốn phiên hội thảo chính.

Đại diện Ban Tổ chức cho biết, sức hấp dẫn của mỗi kỳ Hội chợ không chỉ là sự ra mắt của các công nghệ mới, mô hình hiệu quả trong nuôi tôm, còn là từ chủ đề mà Hội chợ hướng đến. Mà năm nay, “Xanh hóa vùng nuôi” là trọng tâm mà VietShrimp 2025 lựa chọn.

Chuyển dịch theo hướng xanh, sản xuất tuần hoàn cũng là xu thế của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn về môi trường. Tại Việt Nam hiện đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn để tối ưu hóa đầu vào và đầu ra. Xanh hóa chuỗi sản xuất, chuẩn hóa lại sản xuất là mục tiêu mà ngành tôm Việt Nam hướng đến và cũng là giải pháp mà thế giới lựa chọn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày một trầm trọng. Đó còn là chiến lược của ngành thủy sản nói chung và con tôm nói riêng.

Lan tỏa thông điệp lớn

Theo các chuyên gia, phát triển xanh là mục tiêu của kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững bằng cách tận dụng các nguồn chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp áp dụng mô hình nuôi tôm bền vững đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu từ 15 – 20%, cho thấy tiềm năng kinh tế lớn từ việc chuyển đổi này.

VietShrimp 2025 mong muốn thông qua sự kiện này, ngành tôm sẽ tìm được giải pháp hữu hiệu nhất để phát triển hiệu quả và bền vững, vừa đảm bảo duy trì đà tăng trưởng của ngành thủy sản, vừa đảm bảo sinh kế lâu bền của người nông dân, đồng thời giúp con tôm Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường tôm toàn cầu.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức, chia sẻ: “Cả nước hiện có hơn 750.000 ha nuôi tôm thì đã có trên 200.000 ha nuôi tôm theo hướng hữu cơ, sinh thái, nuôi kết hợp, như tôm – rừng, tôm – lúa, trong đó, có hàng chục nghìn ha tôm nuôi theo hướng này được các tổ chức quốc tế chứng nhận và sản phẩm xuất khẩu đã tỏ rõ những ưu thế tại nhiều thị trường lớn và khó tính”.

Còn theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến, việc triển khai các giải pháp đồng bộ, định hướng lại sản xuất theo hướng xanh, có trách nhiệm và bền vững để tạo động lực phát triển cho ngành tôm được coi là nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài, đặc biệt phù hợp với chủ trương của Đảng, cam kết của Chính phủ về Net Zero đến năm 2050 và hành động quyết liệt của ngành nông nghiệp về phát nền kinh tế xanh.

Thúc đẩy cách mạng “xanh”

Theo nhận định của các chuyên gia, việc chuyển đổi sang phương thức sản xuất bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu, “cuộc cách mạng xanh” với ngành tôm lại càng cấp thiết hơn.

Tại buổi Hội thảo chuyên đề về tăng trưởng xanh trong ngành tôm, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, cho biết, phát triển xanh trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ là việc áp dụng mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường không chỉ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người nuôi.

“Phát triển xanh không chỉ là xu hướng mà còn là điều kiện tiên quyết để ngành tôm Việt Nam duy trì vị thế trên thị trường thế giới. Bằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, kiểm soát tốt dịch bệnh và đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, ngành tôm nước lợ Việt Nam không chỉ tăng trưởng về sản lượng mà còn hướng đến một nền sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững”, Cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ thêm.

Còn về vấn đề thị trường, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho rằng ngành tôm Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2025. Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng siết chặt quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát dư lượng kháng sinh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải đầu tư mạnh vào quy trình nuôi trồng, chế biến và kiểm soát chất lượng. Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, nguy cơ bị cấm nhập khẩu hoặc áp thuế cao là rất lớn.

Thông qua các gian hàng triển lãm và chuỗi Hội thảo trong khuôn khổ Hội chợ năm nay cho thấy rõ xu hướng ứng dụng công nghệ cao, tối ưu hóa chi phí và phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ. Đặc biệt, nhiều giải pháp mới về vi sinh, dinh dưỡng và quản lý môi trường ao nuôi đã được giới thiệu, mở ra những cơ hội phát triển mới cho ngành tôm nước ta.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&MT

Đây là dịp để ngành tôm bắt kịp sự phát triển công nghệ

Hội chợ đã trở thành sự kiện thường niên của ngành thủy sản, thu hút ngày càng đông đảo các gian hàng giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới, sáng tạo; là nơi bà con nuôi tôm có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để mang lại những vụ nuôi thành công và mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển thị trường. Đồng thời là dịp để cộng đồng ngành tôm nhanh chóng bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số với trang thiết bị hiện đại, cập nhật thay đổi của ngành tôm toàn cầu, tiếp cận với những ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới theo quy chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các thị trường và đối thoại với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp, tìm ra các giải pháp vượt qua khó khăn, khắc phục những điểm yếu để nâng tầm chuỗi giá trị tôm Việt.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Hội chợ mở ra nhiều cơ hội hợp tác

TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL là nơi có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Hội chợ là cơ hội để ngành thủy sản vùng ĐBSCL và cả nước nói chung, giới thiệu những tiến bộ khoa học, công nghệ về khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, công nghệ,… phục vụ sản xuất, phát triển nghề nuôi tôm, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và khẳng định vị thế sản phẩm chất lượng cao trên thị trường thế giới. Hội chợ sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng Ban tổ chức VietShrimp 2025

VietShrimp vẫn là diễn đàn lớn của ngành tôm Việt Nam

Với chủ đề “Xanh hóa vùng nuôi”, VietShrimp 2025 đã trở thành diễn đàn lớn để 4 nhà là: Nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông cùng ngồi lại nhằm tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững, vừa đảm bảo duy trì đà tăng trưởng của ngành thủy sản, vừa đảm bảo sinh kế lâu bền của người nông dân, đồng thời giúp con tôm Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường tôm toàn cầu. Bởi các mô hình sản xuất xanh đã, đang và sẽ là một lợi thế lớn của ngành tôm nước ta.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!