Thay đổi cách vận hành trại tôm với thiết bị công nghệ hiện đại

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành nuôi tôm nước lợ đang đi vào xây dựng một nền tảng tích hợp dữ liệu với những thiết bị và công nghệ hiện đại, dẫn đến thay đổi cách vận hành trại nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là xu hướng số hóa ngành nuôi trồng thủy sản vì một tương lai thông minh và bền vững.

Quản lý từ xa bằng giọng nói hoặc điện thoại

Có thể bắt gặp ở không ít trại nuôi tôm nước ta hiện nay, những hệ thống thiết bị giúp quản lý từ xa bằng giọng nói hoặc điện thoại thông minh một cách hiệu quả mà không phụ thuộc vào kỹ sư nuôi. 

Ông Vũ Hồng Thái, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Aqua Mina giới thiệu một hệ thống thiết bị có đèn LED ánh sáng xanh, máy cho tôm ăn rơi tại chỗ, máy sản xuất ôxy tinh khiết, dàn đảo nước, cảm biến môi trường tự động, phần mềm quản lý trại nuôi và tủ điều khiển. Những thiết bị này còn có khả năng giúp ghi nhật ký ao nuôi, quản lý chi phí, quản lý kho, nhắc quy trình nuôi không khác chuyên gia tư vấn. Hệ thống còn có thể cảnh báo một số tình huống, dự báo sản lượng và phân quyền quản lý khá rõ ràng từng công đoạn. Tất cả đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch. Việc ứng dụng quản lý trại nuôi tôm khá dễ dàng, chỉ cần qua tập huấn ngắn hạn là sử dụng được.

Giám sát các chỉ tiêu trại nuôi tôm ở trung tâm  

Nhiều trại nuôi đã sử dụng máy xử lý nước điện hóa siêu âm tuần hoàn nước, không dùng hóa chất, đạt hiệu quả cao. Còn có thiết bị bơm chuyển tôm an toàn, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất. Nhất là có trợ lý AI kỹ sư nuôi nhân hóa cho trại nuôi để tư vấn cả quản lý tài chính. Ưu điểm nổi trội cũng là dễ tiếp cận, đảm bảo thông tin khách quan và minh bạch, không ngừng được nâng cao để ngày càng thông minh hơn. 

Công nghệ quản lý hệ vi sinh cho tôm

Trong nuôi tôm, sức khỏe hệ vi sinh là chìa khóa thành công. Chuyên gia đã tính được, số lượng tế bào vi sinh vật trong một ao nuôi tôm 2.500 m2 với mật độ thả 150 Pls/m2 là khoảng 30 triệu tỷ, gấp hơn 3 triệu lần dân số toàn cầu. Việc quản lý hệ vi sinh đảm bảo an toàn có lợi cho tôm là vô cùng phức tạp, cần có công nghệ hỗ trợ và hiện nay cũng đã có công nghệ tiên tiến. 

Riêng việc phân tích thực trạng hệ vi sinh, trước nay có 3 phương pháp. Một là Đĩa thạch (TCBS, Chromagar, …) có ưu điểm đơn giản và chi phí thấp, dễ dàng tiếp cận các trại nuôi với khả năng xác định tổng khuẩn hoặc khuẩn vàng/xanh/tím; tuy nhiên, phải mất 24 – 48 tiếng mới có kết quả và độ sai lệch lớn do thao tác/môi trường. Hai là kỹ thuật PCR có độ chính xác cao nhưng bị giới hạn vào đối tượng mục tiêu cần kiểm tra, chi phí tương đối cao và thời gian trả kết quả chậm. Ba là Giải trình tự có ưu điểm cụ thể và chi tiết nhưng chi phí cao, thời gian trả kết quả chậm.

Hiện nay có một số công nghệ khắc phục được nhược điểm của 3 phương pháp trên. Chẳng hạn công nghệ Kytos thực hiện đếm tế bào dòng chảy (Flow Cytometry), với lượng mẫu chỉ khoảng 1 ml dung dịch bảo quản đưa đến phòng lab, dưới 1 phút đã cho kết quả 100% tế bào vi sinh được phân tích và đánh giá sức khỏe hệ vi sinh qua 23 chỉ số (15 chỉ số vi khuẩn, 7 chỉ số tảo, 1 chỉ số bào tử nấm). Kết quả gửi qua phần mềm điện thoại cho khách hàng, và dữ liệu được lưu trữ an toàn.

Phương châm của công nghệ Kytos là “Từ trang trại đến phòng lab”. Công nghệ gắn liền với việc tổ chức đăng ký và tạo tài khoản cho khách hàng, chuẩn bị và gửi dụng cụ lấy mẫu đến khách hàng, thu mẫu và chuyển đến phòng lab. Suốt quá trình, hỗ trợ logistics và nhận mẫu, phân tích và trả kết quả qua phần mềm.

Ở các trại nuôi tôm, việc lấy mẫu tùy theo yêu cầu, thông thường cứ 3 hoặc 7 ngày lấy một lần. Để đánh giá vi sinh ủ, sẽ lấy 1 mẫu trước khi ủ và sau đó cứ 2 giờ lấy mẫu một lần trong quá trình ủ. Để đánh giá hiệu quả diệt khuẩn sẽ lấy 1 mẫu trước khi xử lý diệt khuẩn và lấy 1 mẫu sau khi diệt khuẩn.

Thiết bị công nghệ hiện đại trong ao nuôi tôm phục vụ quản lý từ xa

Công nghệ tiên tiến quản lý hệ vi sinh cho tôm có 4 mục tiêu rõ ràng. Một là đánh giá chất lượng nước và sức khỏe hệ vi sinh vật. Hai là nâng cao sự chống chịu và tối ưu hóa việc sử dụng nước dựa trên dữ liệu phân tích hệ vi sinh. Ba là áp dụng công nghệ để tối ưu quản lý hệ vi sinh. Bốn là phát triển các công cụ kỹ thuật số dễ tiếp cận và cung cấp cho trại nuôi tôm để thích nghi với các thay đổi môi trường do biến đổi khí hậu gây ra.

Số hóa nuôi tôm với tương lai thông minh

Một số quốc gia Nam Mỹ đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tự động hóa và phân tích dữ liệu trong nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản thủy sản nói chung. Đây là mô hình tương lai và đang được quan tâm ở nhiều quốc gia khác, trong đó có cường quốc nuôi tôm Việt Nam và yêu cầu đặt ra cho Việt Nam là phải đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa để duy trì, nâng cao vị thế trên thị trường toàn cầu.

Ông Steve Dang là Giám đốc điều hành SHRIMPL phân tích, nuôi tôm Việt Nam đang gặp 3 yếu tố chính cản trở việc áp dụng công nghệ tiên tiến. Thứ nhất là quy mô sản xuất nhỏ lẻ với hàng ngàn trang trại vận hành theo cách truyền thống, còn nhiều khâu thủ công; trong khi các quốc gia như Ecuador, Brazil hay Mexico đã phát triển mạnh trang trại quy mô lớn với mức độ tự động hóa cao, có thể thu thập dữ liệu hiệu quả để đưa ra quyết định chính xác. Thứ hai là rào cản tài chính, sản xuất nhỏ và thiếu vốn nên khó có thể đầu tư vào công nghệ mới. Thứ ba là tầm nhìn, nhiều doanh nghiệp từ các công ty truyền thống đến các startup vẫn chưa hình dung rõ ngành nuôi tôm hiện đại sẽ vận hành ra sao, chưa hình dung đầy đủ khi dữ liệu, kiến thức và công nghệ được chia sẻ đồng bộ, tất cả các bên đều có cơ hội phát triển bền vững và cùng nhau hưởng lợi.

Tổng Giám đốc SHRIMPL Ciaron McKinley nhấn mạnh, dữ liệu là nền tảng trong toàn bộ hoạt động nuôi tôm. Khi công nghệ phát triển, ngành nuôi tôm sẽ có sự bùng nổ về cả khối lượng lẫn chất lượng dữ liệu – với tần suất cập nhật nhanh hơn, ổn định và chi tiết hơn. Để xử lý hiệu quả nguồn dữ liệu ngày càng phức tạp này, phải ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp giảm sai số, phân tích nhanh chóng và đưa ra các khuyến nghị hành động kịp thời – từ đó hỗ trợ người nuôi có quyết định chính xác và kịp thời hơn. 

Ngành nuôi tôm đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ tích hợp dữ liệu và công nghệ vào trung tâm hoạt động. Mặc dù thủy sản và nông nghiệp nói chung vốn được xem là lĩnh vực tiếp cận công nghệ chậm, nhưng hiện nay tốc độ chuyển đổi đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết, dự kiến trong 5 – 10 năm tới sẽ có sự thay đổi lớn lao.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!