THỨ BA, ngày 21/1/2025

T2, 06/07/2020 02:00

Quảng Trị: Khai thác thủy sản ghi nhận nhiều thành tựu

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2019, Quảng Trị đề ra nhiều giải pháp tích cực để gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo như tăng cường công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá được ưu tiên phát triển… nhằm giúp nghề cá địa phương phát triển hiện đại, bền vững.

Năm qua, ngư dân Quảng Trị đã mạnh dạn đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn, cải tiến ngư cụ, chủ động tổ chức đánh bắt phù hợp và theo hình thức tổ hợp tác đánh cá trên biển. Cùng đó, địa phương đã xây dựng đội tàu, thuyền hoạt động ở 3 vùng: vùng lộng, trung bờ và xa bờ nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của từng địa phương và nguồn lợi của các ngư trường khác nhau. Năm 2019, số tàu thuyền toàn tỉnh là 2.298 tàu, với tổng công suất 126.419 CV, trong đó có 235 tàu từ 90 CV trở lên, thường xuyên tham gia khai thác vùng biển xa. Nhiều kỹ thuật tiên tiến được áp dụng, hỗ trợ đắc lực cho ngư dân trong sản xuất. Nhờ đó, sản lượng thủy sản năm 2019 ước đạt 36.029 tấn, vượt hơn 10% so kế hoạch, trong đó khai thác: 27.362 tấn, nuôi trồng 8.667 tấn, đặc biệt sản lượng tôm nuôi đạt 5.065 tấn, doanh thu trên 914 tỷ đồng.

Tàu khai thác thủy sản của Quảng Trị – Ảnh: ST

Toàn tỉnh đã hình thành trên 160 cơ sở chế biến nước mắm, ruốc, mắm các loại, hàng khô, bảo quản thủy sản sau thu hoạch. Những cơ sở này đã góp phần không nhỏ thúc đẩy nghề khai thác thủy sản và tăng giá trị hàng hóa, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Các cơ sở chế biến với quy mô công nghiệp tập trung ở các vùng Cửa Tùng và Cửa Việt; tại đây có các nhà máy Susumi và bột cá được đầu tư hiện đại với công suất hàng chục nghìn tấn/năm, góp phần tiêu thụ hết sản lượng khai thác trong tỉnh. Bên cạnh đó, ngành chế biến thủy sản đã nâng cao chất lượng hàng hóa và mẫu mã cho các sản phẩm thủy sản tiêu dùng nội địa để tạo giá trị gia tăng; đồng thời, đẩy mạnh chế biến nội địa nhằm giải quyết việc làm cho lao động trên bờ và tạo đầu ra cho sản phẩm từ khai thác. Ngoài ra, Quảng Trị cũng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là hệ thống cảng cá, khu neo đậu trú bão ở Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ. Bên cạnh những cơ sở đóng tàu thuyền lớn, có một số cơ sở đóng thuyền composite phục vụ nhu cầu khai thác các vùng biển khác nhau. Tất cả đã góp phần tạo nên sự lớn mạnh của ngành thủy sản là động lực để người dân tiếp tục ra khơi; ngư lưới cụ, thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc và thiết bị dò cá hiện đại, được đầu tư đồng bộ.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!