Tân Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp Indonesia vừa đề xuất gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tôm hùm con ở nước này. Xoay quanh đề xuất này vẫn còn nhiều bàn cãi.
Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp Indonesia Edhy Prabowo – người vừa được Tổng thống Joko Widodo bổ nhiệm tháng 10/2019 nói rằng, việc cho phép xuất khẩu tôm hùm giống sẽ hỗ trợ nhiều cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, các nhà phê bình lại cho rằng, nếu cho phép xuất khẩu trở lại tôm hùm con sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển này và góp phần “làm giàu” thêm cho những quốc gia đang cạnh tranh.
Ông Prabowo phản đối lệnh cấm xuất khẩu tôm hùm giống và cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nạn buôn lậu tôm. Đồng thời, truyền thông nước này cho hay, nếu được xuất khẩu, Indonesia có thể bán tôm giống cho Việt Nam – quốc gia vốn có nghề nuôi tôm hùm phát triển hơn.
Indonesia có một “thị trường đen” lớn mạnh cho tôm hùm giống – Ảnh: NMFS
Trước đó, cựu Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti – người nổi tiếng vì vụ bắt giữ 556 tàu đánh cá nước ngoài trái phép tại Indonesia đã ban hành lệnh cấm đánh bắt và xuất khẩu tôm hùm giống vào năm 2016 nếu chúng có kích thước nhỏ hơn 8 cm và nặng ít hơn 200 g nhằm mục đích bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Trước đề xuất mới của tân Bộ trưởng, bà Susi đã bảo vệ chính sách hiện tại của mình trong các tin nhắn trên Twitter, bao gồm một đoạn video của bà trên bãi biển của thị trấn sản xuất tôm hùm Trenggalek, ở Đông Java và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc không khai thác quá mức loài giáp xác này.
“Nếu chúng ta không quan tâm và không dừng việc đánh bắt tôm hùm giống, chúng ta sẽ chỉ làm giàu thêm cho Việt Nam và Indonesia có thể sẽ không bao giờ thấy được con tôm hùm nào nữa trên biển”, bà Susi nhấn mạnh.
Vấn đề đã khiến Tổng thống Joko Widodo phải can thiệp sau khi lan truyền trên mạng xã hội với các hashtag trên Twitter như lindungilobsterkita (tạm dịch bảo vệ tôm hùm của chúng ta). Ông Widodo cho biết, việc xem xét lại lệnh cấm không nên chỉ ở các khía cạnh môi trường, mà nên chú trọng cả khía cạnh kinh tế. Đừng nói không với xuất khẩu. Sự cân bằng là điều cần thiết, tuy nhiên không phải cái gì đánh bắt được cũng đem đi xuất khẩu. Điều này cũng sai.
Theo dữ liệu do Công ty Nghiên cứu Statista (Đức) cung cấp, Indonesia là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn, nhưng xuất khẩu tôm hùm của nước này đã giảm trong những năm gần đây, từ 3.330 tấn trong năm 2016 xuống chỉ còn khoảng 1.960 tấn.
Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á phát hiện ra rằng, tôm hùm dưới cỡ tiêu chuẩn vẫn tiếp tục được bán ở Indonesia bất chấp lệnh cấm năm 2016, do thực thi pháp luật kém và đề xuất trong một báo cáo vào tháng 8/2019 cần thêm nghiên cứu để giúp tăng trưởng ngành công nghiệp và kiềm chế dân số.
Phương Ngọc
Theo Nytimes