Ở Việt Nam hiện có hai nguồn cung tôm bố mẹ là nhập khẩu hoặc đánh bắt tự nhiên từ các vùng biển trong nước. Đối với tôm sú, nguồn tôm bố mẹ tự nhiên còn chiếm ưu thế nhưng với tôm thẻ chân trắng thì tôm bố mẹ chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài.
Với đặc thù sản xuất nhỏ hiện có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống phải chọn giải pháp mua ấu trùng Nauplii từ các cơ sở chuyên khai thác tôm bố mẹ để kinh doanh Nauplii để sản xuất. Do đó những cơ sở này khó có cơ hội tiếp xúc với nhà cung cấp tôm bố mẹ hoặc tìm hiểu, so sánh về chất lượng tôm bố mẹ giữa các nhà cung cấp. Nauplii do tôm bố mẹ được chọn giống sinh sản sẽ có chất lượng hơn hẳn nauplii của tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc.
Hiện, chất lượng tôm giống đang là vấn đề được địa phương và người nuôi quan tâm. Vấn đề ở đây là người đi mua tôm giống thường thiếu các thông tin liên quan đến nguồn gốc (ví dụ tôm bố mẹ chọn giống của nhà cung cấp nào, tự nhiên hay không rõ nguồn gốc; Nauplii tự sản xuất hay mua) và chất lượng (quy trình sản xuất, nguyên vật liệu chính sử dụng, kết quả xét nghiệm sạch bệnh…). Thực tế đã có những trường hợp tôm giống khi xuất ra cổng trại đủ tiêu chuẩn chất lượng nhưng khi đến tay người tiêu dùng đã bị biến đổi bởi quá trình vận chuyển không tốt, chưa nói đến việc trộn giống không tốt vào giống tốt vào để bán hoặc giả thương hiệu có uy tín. Người đi mua tôm giống thường lựa chọn các trại giống có uy tín hoặc thân quen và chỉ đổi nếu vụ trước gặp sự cố hoặc trại quen không có tôm giống. Có những lúc cao điểm, người muốn mua lại không tìm được giống, người có giống thì lại không biết bán cho ai nếu cơ sở sản xuất đó chưa nổi tiếng. Tôm giống là mặt hàng đặc biệt mà đến thời điểm bắt buộc phải xuất trại, để lâu sẽ hao hụt nhiều và tốn kém bắt buộc phải xả bỏ. Đây thực sự là một sự lãng phí rất lớn ở quy mô quốc gia bởi phải mất rất nhiều tâm huyết, thời gian, sức lực, tiền bạc mới có thể tạo được một sản phẩm tốt. Chính tình trạng thiếu thông tin này, đặc biệt là thông tin có thể giúp đánh giá chất lượng tôm giống khiến cho thị trường tôm giống nước ta hiện rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn”.
Ảnh minh họa
Năm 2010, khu vực nuôi tôm chính của Ấn Độ sản xuất khoảng 2 tỷ tôm giống. Tỷ lệ sống đạt được trong nuôi thương phẩm là 80%. Năm 2017, khi nghề nuôi tôm nước này phát triển mạnh, lượng tôm giống tăng lên 60 tỷ con thì tỷ lệ sống trong nuôi thương phẩm chỉ còn 40%. Ở Việt Nam, nếu đối chiếu sản lượng với tổng lượng tôm giống sản xuất thì ước tính tỷ lệ sống trong nuôi tôm thương phẩm chỉ khoảng 24 – 25%. Do đó, hiệu quả sản xuất của ngành tôm không cao và khó cạnh tranh được với các quốc gia khác. Nếu không tìm cách giải quyết thì lợi ích từ nuôi tôm ở quy mô quốc gia chưa chắc đã đạt được như kỳ vọng. Chúng ta đang ở trên một con tàu, cần sự chung tay để phát triển, bởi nếu người nuôi tôm thịt thua thiệt thì ngành sản xuất tôm giống cũng không thể phát triển.
Sản xuất tôm giống ở Việt Nam có một số điểm yếu nhưng điểm yếu lớn nhất là thiếu kết nối thống tin và phản hồi về chất lượng giữa các khâu sản xuất: Tôm bố mẹ, Nauplii, tôm post và tôm thương phẩm. Với hơn 2.000 cơ sở sản xuất tôm giống và hàng trăm nghìn cơ sở nuôi tôm thương phẩm, công tác quản lý chất lượng của Tổng cục Thủy sản và cơ quan chuyên trách địa phương gặp nhiều khó khăn. Hệ thống quản lý hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên giấy, rất khó để đối chiếu, kiểm chứng nhanh. Ai tạo ra một sản phẩm cũng muốn người sử dụng sản phẩm có phản hồi vì nếu không có phản hồi thì nhà sản xuất không có thể cơ hội hoàn thiện, nâng cao chất lượng. Để giải quyết các khó khăn này CSIRO hiện đang hỗ trợ Tổng cục Thủy sản xây dựng một hệ thống quản lý thông minh (CSI) cho phép cập nhật các thông tin chọn lọc liên quan đến nguồn gốc tôm bố mẹ và chất lượng tôm giống một cách liên tục trong suốt quá trình sản xuất. Thông qua CSI người mua hàng (tôm bố mẹ, Nauplii hay tôm giống) đều có thể đánh giá chất lượng và có ý kiến trực tiếp đến cơ quan quản lý. Dự kiến CSI sẽ được thử nghiệm trong năm 2020, hỗ trợ hữu ích cho nghề nuôi tôm của Việt Nam.
PGS.TS Hoàng Tùng
Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO)