Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt 932 triệu USD, giảm 15,9% so cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân phần lớn là do tác động từ dịch COVID-19.
Theo ghi nhận của Bộ NN&PTNT, do tác động tiêu cực của dịch COVID19, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường đều giảm mạnh so cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất là Trung Quốc, tới 43,48%; tiếp đó là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, giảm lần lượt là 31,53%, 26,34%, 28,16%. Cùng đó, là tác động của biến đổi khí hậu hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL ảnh hưởng tới NTTS; “thẻ vàng” của EC…
Trước tình hình này, doanh nghiệp thủy sản đề xuất các ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay. Cụ thể, kiến nghị chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, giảm quy trình thủ tục, điều kiện về thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp; dựa vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để cấp thêm hạn mức tín chấp để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn; Cho vay dự trữ hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời; tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng; Chấp nhận cho vay chiết khấu các bộ hồ sơ thanh toán quốc tế qua các điều kiện và hình thức thanh toán.
Ảnh minh họa (Vũ Mưa)
Song song với đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gồm: kỳ hạn trả nợ so đăng ký lên 3 tháng, các món vay thời hạn từ 60 ngày lên 120 ngày, các món vay thời hạn từ 180 ngày lên 240 ngày, tăng thời hạn trả nợ ngắn hạn thêm 2 – 3 tháng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lúc khó khăn khi vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng… Bên cạnh đó, những khoản vay đến hạn do các trường hợp ảnh hưởng từ dịch bệnh nên được gia hạn. Chẳng hạn, gia hạn nợ khi dòng tiền về không kịp để đáo hạn; gia hạn nợ tới hạn doanh nghiệp trả không kịp thêm 30 ngày; không tính lãi phạt trong thời gian được gia hạn và có thể trả chậm không tính lãi phạt.
Trước đó, ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Thông tư mới quy định việc cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng từ dịch. Hiện, có 926.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dẫn đến trả nợ không đúng hạn. Bước đầu, các ngân hàng đã xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng; xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với dư nợ 85.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương tại khu vực ĐBSCL như Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre cũng đang rà soát lại tình hình tiêu thụ nông sản, nhất là các mặt hàng phụ thuộc chính vào một số thị trường để nắm rõ sản lượng, từ đó đề ra hướng giải quyết kịp thời; các địa phương cũng ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn quỹ phát triển của tỉnh để giải quyết thiệt hại do dịch bệnh gây ra.