Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm Đề án An ninh lương thực ngày 18/3, nhằm phân tích tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cho giai đoạn mới.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau 10 năm thực hiện Đề án an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực với sản lượng lương thực bình quân đầu người ở mức tương đối cao 525 kg/năm (đứng thứ 6 trên thế giới) mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác. Dự kiến có 14 chỉ tiêu đạt và vượt so mục tiêu Đề án đề ra đến năm 2020; giai đoạn 2009 – 2019 ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá đạt 2,61%/năm, đóng góp 15% GDP; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,99%, đã có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm; khoa học công nghệ có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.
Ảnh minh họa
Dự báo dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 104 triệu người vào năm 2030, nên nhu cầu lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Mục tiêu đề ra là phải sử dụng hiệu quả, giữ ổn định khoảng 3,3 – 3,6 triệu ha đất lúa để sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa/năm làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, chế biến, làm giống, dự trữ và xuất khẩu; sản lượng rau đậu các loại 20 – 22 triệu tấn; cây ăn quả 10 – 12 triệu tấn; thịt hơi 6,6 triệu tấn; sữa tươi 2,3 – 2,5 triệu tấn, thủy sản 8 – 9 triệu tấn…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tới đây, cần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp lương thực một cách hợp lý, giải quyết bài toán hạ tầng nông nghiệp, công nghiệp chế biến… thậm chí phải nghĩ đến việc các loại gạo dinh dưỡng cho toàn dân và xuất khẩu, không chỉ nằm ở số lượng, mà còn phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Trong thời gian tới cần đảm bảo an ninh lương thực bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.