Bí thị trường, doanh nghiệp chờ “giải cứu”

Chưa có đánh giá về bài viết

Đại dịch COVID-19 đã và đang làm suy yếu nền kinh tế của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của đa số các ngành hàng cũng rơi vào cảnh trì trệ. Chính phủ cùng các bộ, ngành tích cực vào cuộc gỡ khó. Thế nhưng, không dễ bởi nhiều doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị dài hơi.

Thiếu trầm trọng kho lạnh

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây cho thấy, GDP quý I/2020 ước chỉ tăng 3,82% so cùng kỳ năm 2019, thấp nhất từ năm 2011 tới nay; đặc biệt, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ tăng 0,08%.

Còn theo ghi nhận của VASEP, COVID-19 đã lây lan và ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, dịch bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ… Đây là những thị trường lớn của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ba tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so cùng kỳ, trong đó tại các thị trường trọng điểm đều giảm mạnh, lần lượt là: EU (-40%), Trung Quốc (-25%), Hàn Quốc (-24%) và Nhật Bản (-19%)…

Ảnh minh họa

Với diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, trong vài tháng tới đây tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự đoán sẽ tiếp tục giảm; doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng xuất khẩu sụt giảm, bị hoãn hoặc hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán không thuận lợi, sẽ có nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ) không thể trụ nổi.

Không xuất được hàng đã khiến doanh nghiệp thủy sản gặp khó về khâu tích trữ và bảo quản. Điển hình như việc hệ thống kho lạnh tại các doanh nghiệp chế biến đang thiếu trầm trọng, doanh nghiệp không thể thu mua được nhiều nguyên liệu thủy sản sản xuất ra, khiến hoạt động sản xuất của nông dân thời gian qua vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, tỷ lệ các đơn hàng thủy sản bị khách yêu cầu tạm hoãn ở mức 20 – 40%, tỷ lệ các đơn hàng bị yêu cầu dừng hoặc hủy là 20 – 30%; trong khi các lô hàng thủy sản xuất nhập khẩu đa phần là hàng đông lạnh, phải tốn kém các loại chi phí tại cảng như phí cắm điện, lưu container, lưu bãi, đảo chuyển container… Các khoản chi phí này thường rất lớn, trong đó đặc biệt là phí cắm điện cho container tại cảng chiếm tỷ lệ lớn nhất vì do COVID-19 các container bị neo tại cảng lâu hơn nhiều so với trước đây. Điều này đang trở thành “hòn đá tảng” khi không phải doanh nghiệp nào cũng trường vốn.

 

Cấp bách xin hỗ trợ vốn

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị quyết, trong đó kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.

Với lĩnh vực thủy sản, VASEP cũng kiến nghị nhiều giải pháp cấp bách để gỡ khó giúp doanh nghiệp tìm lối thoát trong đại dịch; cụ thể như: Kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên; hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu khi các kho lạnh đi vào vận hành. Kiến nghị Cục Xuất nhập khẩu xem xét đề xuất với lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan để có gói các giải pháp hỗ trợ cụ thể liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, logistic trong phạm vi cảng biển, nhất là các doanh nghiệp thủy sản và hàng đông lạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Còn đối với các đơn vị vận hành các cảng, đặc biệt là Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước) và các hãng tàu giảm 50% phí cắm điện cho các container lạnh lưu tại cảng.

Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp và người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tùy theo tình hình tác động của dịch bệnh xin miễn đóng với mức tương ứng. Dùng tiền dư của quỹ BHXH, BHTN hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, còn 50% do doanh nghiệp chi trả. Dùng tiền dư quỹ BHXH và BHTN cho doanh nghiệp vay không lấy lãi để chi phí cho người lao động. Đề nghị Quốc hội thông qua việc giảm tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ BHTN từ 1% xuống còn 0,5%.

>> Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2020, cả nước có gần 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó: 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa; 12.200 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể; 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!