Đâu là lợi thế của ngành tôm Việt Nam?

Chưa có đánh giá về bài viết

Với giá thành sản xuất cao, ngành tôm Việt Nam bị đánh giá là yếu thế khi cạnh tranh trên thị trường thế giới nên rất khó để cạnh tranh một cách song phẳng. Tuy nhiên, giá trị sản xuất và thị trường của con tôm Việt Nam ngày một tăng. Điều gì tạo nên sức mạnh của ngành tôm nước ta?

Tìm con đường riêng

Khi nói về tính cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam, gần như bao giờ cụm từ “giá thành cao” cũng luôn được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất. Đây là thực trạng chung, dù trình độ nuôi tôm của người dân Việt Nam không hề thua kém các nước nhưng do hầu hết chi phí đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… đều cao hơn các nước, nên giá thành tôm nuôi của Việt Nam thường trội hơn 20 – 30%. Đây thực sự là một bất lợi lớn của ngành tôm, khi nó làm giảm sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam so với các nước. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, kể cả những thời điểm giá tôm thế giới xuống mức thấp điểm thì ngành tôm Việt Nam vẫn không ngừng tăng trưởng, trở thành một trong số ít quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Vậy, bằng cách nào con tôm Việt Nam vượt qua được bất lợi trên?

Ảnh minh họa

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho rằng: “Đó là nhờ ở trình độ chế biến và sự đa dạng sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam”. Theo ông Lực, trình độ chế biến của các doanh nghiệp tôm nước ta hiện thuộc hàng “chiếu trên” so với nhiều nước sản xuất tôm lớn trên thế giới. Ông Lực chia sẻ thêm: “Đơn cử như thị trường Nhật Bản, sản phẩm tôm Việt luôn có giá khá tốt, nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ cao trong quá trình chế biến, nên muốn bán được hàng vào thị trường này, ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm có phải có tính thẩm mỹ cao, mà điều này thì Sao Ta và nhiều doanh nghiệp thủy sản khác rất lợi thế nhờ trình độ tay nghề chế biến của công nhân Việt Nam rất khéo léo”. Ngoài sản phẩm tôm, Sao Ta còn chế biến bánh Kaki-Agi truyền thống của Nhật Bản để xuất khẩu vào thị trường này với doanh số vài triệu USD/năm.

Tại Sóc Trăng, hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm lớn như: Khánh Sủng, Stapimex, Sao Ta, Vinacleanfood, Tài Kim Anh… đều đã đầu tư máy móc công nghệ chế biến tôm hiện đại để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ các phân khúc thị trường cao cấp trên thế giới. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) chia sẻ: “Nhu cầu tiêu dùng thế giới ngày càng cao, buộc các nhà máy chế biến phải thay đổi để đáp ứng. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, chúng tôi đã xác định hướng đi chủ lực là sản phẩm chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính nhờ hướng đi đúng đắn này mà hiện nay sản phẩm của Vinacleanfood đã có mặt tại hầu hết thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc”.

Các phân khúc thị trường cao cấp tại EU, Mỹ hay Nhật Bản đều có được giá tốt và ổn định, nhưng theo các doanh nghiệp, ngoài Việt Nam và Thái Lan, hiện có rất ít quốc gia đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường này. Chính từ lợi thế trên nên có những thời điểm giá tôm thế giới xuống thấp, người nuôi tôm một số nước thua lỗ, nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn vượt qua, doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn bảo toàn được nguồn vốn, một số có lãi. Đơn cử như trong hai năm liên tiếp 2018 – 2019, những tháng đầu năm, giá tôm rớt thê thảm, nhưng các doanh nghiệp tôm vẫn có được thị trường tiêu thụ tốt, giúp ngành tôm nhanh chóng phục hồi và về đích trong những tháng cuối năm. Hay như những tháng đầu năm 2020 này, thị trường tôm thế giới liên tục biến động do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và nhất là dịch COVID-19, nhưng giá tôm trong nước vẫn được giữ vững và đang tăng trở lại cũng là nhờ một phần ở việc chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp từ các sản phẩm chế biến sâu.

 

Then chốt là công nghệ

Mặc dù, ngành công nghiệp chế biến đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp tôm, tuy nhiên, do giá nguyên liệu ở Việt Nam đang cao hơn giá thế giới từ 1 – 2 USD/kg nên phần lợi nhuận này cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành phải mạnh tay đầu tư thiết bị, công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến nhằm hạ giá thành; cùng đó, đầu tư vào công nghệ, đưa một phần robot, máy móc tự động vào trong quá trình chế biến để thay thế lượng lao động thiếu hụt. Nhiều phân đoạn trước đây được thực hiện bằng tay thì nay chuyển sang hoàn toàn bằng máy móc tự động.

Theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực, hiện một số nước cũng đã đầu tư máy móc, công nghệ chế biến. Do đó, để đảm bảo tính cạnh tranh cho sản phẩm tôm Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, ngành chức năng và người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao tỷ lệ thành công, diện tích nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế và giảm giá thành trong nuôi tôm.

Đại diện VASEP cho biết, các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu cần tích lũy vốn để phát triển công nghệ, nhằm gia tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô và bán thành phẩm. Cần quy định chỉ doanh nghiệp có đủ vốn, dây chuyền công nghệ, có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu đạt tối thiểu 50% hàng giá trị gia tăng mới được hoạt động. Ngoài ra, do đặc thù ngành tôm mang tính mùa vụ rất cao nên cần tạo cơ chế thông thoáng cho việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, sản xuất hàng giá trị gia tăng tái xuất khẩu, tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho người lao động.

>> Những tháng đầu năm 2020, thị trường tôm thế giới liên tục biến động do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và nhất là dịch COVID-19, nhưng giá tôm trong nước vẫn ổn và đang tăng trở lại cũng là nhờ một phần ở việc chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp từ các sản phẩm chế biến sâu.

Mai Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!