Điểm sáng Hà Tĩnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Với gần 1.000 ha đất cát ven biển đã quy hoạch và những mô hình hoạt động thực tế hiệu quả từ nuôi tôm trên cát, Hà Tĩnh có thêm động lực quan trọng cho phát triển bền vững.

Tập trung khai thác thế mạnh

Nghề nuôi tôm được du nhập vào Hà Tĩnh từ lâu nhưng nuôi tôm chân trắng trên cát thì mới vài năm nay. Những đơn vị đi đầu nuôi tôm chân trắng trên cát với công nghệ cao cho năng suất lớn, có thể kể: HTX Xuân Thành (Xuân Phổ – Nghi Xuân); Công ty TNHH Sao Đại Dương (xã Thạch Trị, Thạch Hà); tổ hợp nuôi tôm xã Xuân Đan (Nghi Xuân); xã Cẩm Hoà (Cẩm Xuyên)…, với sản lượng 10 – 20 tấn/ha/vụ. So với các hình thức nuôi khác, nuôi tôm trên cát hoàn toàn chủ động, các hộ có thể lấy nước không phụ thuộc thủy triều mà trực tiếp lấy nước từ biển có độ trong sạch cao. Ngoài ra, việc sử dụng nền ao lót bạt nylon chống thấm tại vùng cao triều đã khiến việc làm sạch ao rất triệt để, hạn chế được dịch bệnh.

Năm 2011, nuôi tôm trên cát toàn tỉnh mới đạt 40 ha, nằm rải rác tại các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, nhưng đã chiếm gần 20% sản lượng tôm toàn tỉnh. Năm 2010, toàn tỉnh có 33 ha nuôi tôm trên cát của 4 cơ sở và chủ hộ nuôi, đạt sản lượng 350 tấn. Đến năm 2011 phát triển lên 40 ha (bằng 1,7% tổng diện tích nuôi tôm) của 7 cơ sở và chủ hộ nuôi, đạt sản lượng 550 tấn (chiếm 19,6% sản lượng tôm nuôi của tỉnh). Đặc biệt, doanh thu bình quân 3 – 5 tỷ đồng/ha/năm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên đà tăng trưởng đó, năm 2012 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 7.800 ha, trong đó nuôi trên cát 165 ha, tăng hơn 100 ha so với năm 2011.

Hà Tĩnh sẽ mở rộng diện tích NTTC tại các vùng đất cát hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả – Ảnh: Nam Anh

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2015 diện tích nuôi tôm trên cát đạt 800 ha, trong đó nuôi công nghệ cao 300 ha, đạt gần 6.000 tấn/năm; xây dựng 2 – 3 vùng nuôi tôm trên cát tập trung quy mô 30 – 50 ha. Theo đó, năm 2020 đạt sản lượng 1.200 ha, trong đó công nghệ cao 700 ha; xây dựng 6 – 8 vùng nuôi tôm trên cát tập trung.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm trên cát tại các vùng đất cát hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả… Đẩy mạnh phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, công nghệ cao, tập trung đầu tư phát triển các vùng nuôi tôm có tính chất sản xuất hàng hóa lớn (chủ yếu trên cát) nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, giảm thiểu dịch bệnh trên cơ sở phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái…

Ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng chi cục Nuôi trồng Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Năng suất nuôi tôm trên cát những năm gần đây liên tục tăng, đạt 12 – 20 tấn/ha/vụ và có thể nuôi 2 – 3 vụ/năm. Sáu tháng đầu năm 2012, năng suất nuôi tôm trên cát toàn tỉnh là 2.800 tấn, tăng 8% so với năm 2011; nhu cầu tôm giống tăng 100.000 tấn so với năm 2011. Tỉnh có 2 nhà máy chế biến tôm và 80% doanh nghiệp tiêu thụ chính theo hợp đồng, 20% sản phẩm còn lại tiêu thụ theo con đường tiểu ngạch.

 

Nhiều giải pháp đồng bộ

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình sản xuất hiện nay, bà con cũng gặp nhiều khó khăn. Nhấn mạnh vấn đề này, ông Hoàng cho biết thêm: Khó khăn với bà con và cả doanh nghiệp là vấn đề vốn. Với 1 ha diện tích để đầu tư nuôi tôm trên cát phải tốn hàng tỷ đồng, không phải hộ nào cũng có đủ. Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn hoành hành, việc phát hiện và tìm ra nguyên nhân còn chậm, khó khống chế, ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển và sự an toàn cho tôm nuôi trên cát. Nguồn giống tôm đảm bảo chất lượng trên thị trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nghề nuôi tôm trên cát. Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi tôm trên cát là một nghề đòi hỏi có cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, trong khi những vùng sản xuất hiện nay cơ sở hạ tầng chủ yếu như đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước,… hầu như chưa có gì.

Để khắc phục những khó khăn trên, theo ông Hoàng, quan trọng nhất là vấn đề lãi suất, tỉnh cần đầu tư hỗ trợ, trong đó nuôi tôm với mức chênh lệch giữa lãi suất đầu tư phát triển và lãi suất ngân hàng 6%.

Về định hướng phát triển, tỉnh có kế hoạch tập trung chi tiết các vùng nuôi, đảm bảo phòng hộ và đảm bảo nuôi an toàn sinh học. Trong chính sách nuôi tôm giống, tỉnh cũng đã có chính sách tập trung giống tôm he chân trắng chất lượng cao. Trong định hướng chung, phải tập trung nuôi công nghệ cao và an toàn sinh học. Với quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên cát, tỉnh định hướng xây dựng vùng quy hoạch tạm thời phù hợp, hiệu quả (ít nhất là trong vòng 20 – 30 năm).

>> Theo định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tôm thẻ chân trắng là một trong những sản phẩm chủ lực.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!