Ngày 1/10/2012, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổng kết về kết quả xây dựng bài giảng và đào tạo giảng viên ToT VietGAP, Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn chủ trì.
Tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm FITESđã trình bày báo cáo “Kết quả xây dựng bài giảng, đào tạo giảng viên và thu thập ý kiến về triển khai VietGAP”, theo đó, với sự hỗ trợ của FSPS II, khóa đào đã tạo được tổ chức tại 28/63 tỉnh thành với 290 học viên tham dự, trong thời gian từ 1/8 – 15/10/2012. Nội dung của khóa đào tạo bao gồm việc xây dựng bài giảng và tuyển chọn giảng viên ToT VietGAP. Sau khóa đào tạo, học viên được cấp giấy chứng nhận đã tham gia tập huấn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, các học viên tham gia cho rằng, nội dung bài giảng VietGAP còn trùng lặp ở nhiều phần, cần phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, bên cạnh bài giảng hiện có (7 chương, 364 trang) đào tạo giảng viên, những người trong đội VietGAP của cơ sở nuôi quy mô lớn, cần thêm 2 loại bài giảng cho lãnh đạo Sở, cán bộ quản lý và cho chủ cơ sở nuôi hộ gia đình, công nhân thủy sản. Hiện vẫn còn 35 tỉnh chưa có giảng viên VietGAP, nên đề nghị Tổng cục Thủy sản mở rộng đào tạo, xúc tiến công nhận VietGAP trong các nước ASEAN, sau đó là Mỹ, EU.
Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới cần tiến hành sửa đổi nội dung của bài giảng VietGAP cho phù hợp, tập trung vào nội dung dịch bệnh và an toàn chất lượng. Đồng thời, xây dựng tiêu chí hướng dẫn đánh giá cơ quan chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình thí điểm gắn với thị trường cho sản phẩm VietGAP. Điều quan trọng nhất là đạo tạo để mọi người hiểu một cách chính xác về VietGAP, từ đó mới khuyến khích họ tham gia nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong nuôi trồng thủy sản bền vững.