Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành. Về vấn đề này, Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Trác – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh).
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở hầu hết các tỉnh trong cả nước, đặc biệt khu vực ĐBSCL vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa tìm được biện pháp khắc phục hiệu quả. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Con tôm là đối tượng nuôi chủ yếu của ngành thủy sản, việc nuôi tôm của bà con nông dân đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và góp phần quan trọng cho xuất khẩu.
Hiện nay, theo báo cáo của các Tỉnh hội và hội viên thì ngoài vấn đề thời tiết bất thường, tôm thả sớm, kỹ thuật và chăm sóc tôm chưa tốt… thì nguyên nhân dịch bệnh của tôm trước tiên xuất phát từ việc kiểm soát bệnh ngay từ khâu cung cấp con giống còn lỏng lẻo. Tôm giống không rõ nguồn gốc nên các khâu kiểm dịch và chất lượng con giống chưa mang tính hệ thống; Việc quy hoạch vùng nuôi khép kín từ việc nguồn nước vào đến nước thải, xử lý nước thải thực hiện chưa nghiêm túc, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, mầm bệnh tồn lưu và phát tán, dịch bệnh dễ lây lan trên diện rộng.
Mặt khác, khi phát hiện bệnh, các hộ nuôi tôm không thông báo ngay cho các cơ quan quản lý và xử lý kịp thời, làm cho bệnh dễ bùng phát… Ngoài ra, tác nhân chính gây ra hội chứng gan tụy trên tôm vẫn chưa được xác định, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại nhiều địa phương.
Vậy cái khó của người nuôi tôm hiện nay là gì, thưa ông?
Do ảnh hưởng dịch bệnh trên tôm, nhiều người nuôi tôm bị thua lỗ trong những năm trước thiếu vốn sản xuất, trong khi giá các mặt hàng đầu vào tăng ở mức cao nhưng chất lượng chưa tương xứng. Người nuôi tôm càng khó khăn hơn khi những năm gần đây ngân hàng gần như quay lưng lại với họ, nên nông dân không có điều kiện tiếp tục nuôi tôm hay không đủ vốn đầu tư đầy đủ trang thiết bị tại cơ sở nuôi. Điều này khiến rủi ro trong nuôi tôm càng cao, dẫn đến nợ chồng nợ và nợ ngân hàng khó trả.
Năm nay giá tôm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua nên dù tôm có về đích thì người nuôi vẫn khó, lãi không đáng kể, hoặc chỉ hòa vốn do chi phí nuôi liên tục tăng.
Theo tính toán của người nuôi, so với mức giá cao nhất năm 2011, mỗi kg tôm sú đã giảm tới 50%, tôm thẻ chân trắng giảm 30%. Trong khi đó, chi phí nuôi tăng lên đáng kể. Nên với giá tôm hiện tại, sau khi trừ chi phí, người nuôi tôm may mắn thì hòa vốn hoặc có lãi nhưng thấp.
Trước tình hình như vậy, Hội Nghề cá Việt Nam chung tay với người nuôi tôm như thế nào, thưa ông?
Để hỗ trợ kịp thời người dân trong phòng chống dịch bệnh, khắc phục thiệt hại, tiếp tục nuôi tôm hiệu quả, bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam có những kiến nghị với Chính phủ, Bộ NN&PTNT:
Khẩn trương điều tra nghiên cứu xác định chính xác nguyên nhân và biện pháp khắc phục tôm chết hàng loạt; các viện, trường sớm nghiên cứu tìm ra những tác nhân gây bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về bệnh của tôm, nhằm nhanh chóng phát hiện ra các bệnh, tìm ra các quy trình điều trị hiệu quả, tránh dịch bệnh bùng phát tràn lan. Cần có các biện pháp kiểm soát hiệu quả chất lượng tôm giống; quy hoạch vùng sản xuất tôm giống ngay tại các địa phương trong vùng nuôi.
Chính phủ cần đầu tư chiều sâu hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm tập trung công nghiệp. Quy hoạch các vùng nuôi tôm khép kín, đảm bảo chất lượng nguồn nước vào ao nuôi theo đúng tiêu chuẩn. Chất lượng nước thải ra đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, điều chỉnh mức hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại vì mức hỗ trợ như hiện nay là quá thấp.
Các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát nguyên liệu đầu vào nuôi thủy sản, tránh tình trạng liên tục tăng giá như trong thời gian qua, đặc biệt phát huy hiệu quả chính sách bình ổn giá thức ăn nuôi tôm.
Hơn nữa, dịch bệnh kéo dài, người nuôi tôm hiện cạn vốn khôi phục sản xuất, nên đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi để người dân có vốn tiếp tục sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh bảo hiểm con tôm để người nuôi nâng cao trách nhiệm, tuân thủ quy trình nuôi và được hỗ trợ khi gặp rủi ro thiệt hại.