Là chuyên gia đầu ngành, nhiều năm lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia, ThS. Phạm Văn Tình rất tâm huyết với nghề nuôi tôm. Từng chủ trì nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, ông chia sẻ với Con Tôm về đổi mới quy trình nuôi tôm.
Có ý kiến cho rằng quy trình nuôi tôm ở nước ta nhìn chung còn lạc hậu, chưa ứng dụng được nhiều thành tựu khoa học. Ông có nghĩ như vậy?
Hiện nay ở phía Nam, đa số là trang trại rộng từ 10 đến 500 ha hoặc lớn hơn; người nuôi tôm không những áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước mà còn tự ra nước ngoài học hỏi. Có phần nào đó, nghiên cứu khoa học cùng tiến bộ kỹ thuật của ta chưa theo kịp yêu cầu sản xuất, chưa đáp được yêu cầu thực tiễn hiện nay. Môi trường nuôi đang bị ô nhiễm và có sự khác biệt nhiều giữa các vùng, khiến nông dân phải tự tìm cách đối phó. Để nuôi tôm cho hiệu quả không dễ, các nước xung quanh ta cũng vậy. Song không phải trình độ nuôi tôm của ta lạc hậu. Người nuôi tôm Việt Nam luôn gắng tìm cái mới để áp dụng; đến các trang trại lớn sẽ thấy rõ điều này.
Cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về nuôi tôm tại Việt Nam – Ảnh: Phan Thanh Cường
Qua thực tế sản xuất, thấy nhiều nông dân thường bị phụ thuộc vào sự hướng dẫn cũng như quy trình kỹ thuật của các công ty cung cấp giống, thức ăn và công ty thuốc thú y…?
Các tỉnh đều có khuyến ngư. Các công ty đến địa phương nào tập huấn cũng được phép của Sở NN&PTNT; trao đổi kỹ thuật nuôi là việc trong qui trình chung, sao cho sản phẩm được nông dân dùng nhiều. Theo tôi biết, hầu hết nông dân hiện nay, khi đầu tư tiền bạc vào nuôi tôm nghĩa là trước đó họ đã tìm hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi. Chỉ số ít nông dân có diện tích nhỏ, nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến hay bán thâm canh bậc thấp mới ít quan tâm kỹ thuật nuôi. Hiện nay, do môi trường nuôi bị ô nhiễm, xuống cấp, nuôi tôm phải có kỹ thuật cao hơn trước mới hiệu quả (từ chọn thời điểm nuôi, chọn giống, cải tạo ao, đến sử dụng đúng sản phẩm, kỹ thuật quản lý môi trường ao…).
Thời gian vừa qua, khi xảy ra dịch bệnh tôm, người nuôi lúng túng, trong khi các công ty cung ứng thuốc, con giống… chậm đưa ra phương án xử lý. Phải chăng chúng ta đang quá lệ thuộc các công ty giống, thức ăn thủy sản?
Áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm là cần thiết – Ảnh: Thanh Nhã
Vấn đề dịch bệnh, Nhà nước (cụ thể Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, các Viện Nghiên cứu thủy sản) đã vào cuộc, nhưng ngặt nỗi chưa tìm ra nguyên nhân chính để khắc phục. Các công ty thì khó đề xuất được phương án xử lý hiệu quả cao. Việc bán giống, thức ăn, người dân bị phụ thuộc là tất nhiên, do quan hệ cung – cầu trên thị trường. Theo tôi, do quản lý nhà nước chưa đủ mạnh nên chưa thể kìm hãm tăng giá, đồng thời chưa quản lý tốt chất lượng.
Theo ông, để có quy trình nuôi tôm phù hợp tình hình Việt Nam hiện nay, cần lưu ý thêm điều gì?
Xây dựng quy trình chung phù hợp tình hình Việt Nam hiện nay là khó, vì bờ biển nước ta dài (hơn 3.000 km). Không thể có quy trình nào thích ứng mọi vùng sinh thái. Do vậy, phải tùy theo đặc điểm từng vùng sinh thái mà đưa ra quy trình cho vùng đó áp dụng mới có hiệu quả.