Bão số 8 qua đi, các địa phương bị ảnh hưởng đang khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn; kiểm đếm thiệt hại về người và tài sản, đồng thời nỗ lực khắc phục hậu quả.
Và tròn 15 năm, cơn bão thế kỷ Linda tràn qua nước ta. Mưa bão đã đi qua, nhưng đau thương thì vẫn còn hiện hữu.
Cơn bão Linda (bão số 5, tháng 11/1997) ập đến bất ngờ, hoành hành dữ dội từ chiều tối ngày 2 đến hết ngày 3/11, khắp vùng Biển Đông và Tây Nam bộ, tàn phá nặng nề nhà cửa, tài sản và nhiều công trình ở Đồng bằng sông Cửu Long (nhất là bán đảo Cà Mau); cướp đi sinh mạng nhiều người đang sản xuất trên biển, ẩn nấp trên bến và do đổ sập nhà cửa, công trình. Đã 15 năm qua, bóng dáng những tổn thất lúc đó tại vùng đất này không còn ai thấy nữa, nhưng vết thương lòng của người dân vùng biển vẫn còn đó. Đến ngày này hằng năm, ngày 3 tháng 10 âm lịch, hàng ngàn gia đình lại thắp hương khóc thương người đã khuất.
Ngư dân nhiều lần oằn lưng chống chọi bão dữ trên những vùng biển xa
Tại Báo cáo cuối đợt hoạt động hiện trường (báo cáo số 7) của Đoàn công tác khắc phục bão số 5 gửi Thủ tướng, ngày 21/12/1997 còn ghi những con số đau thương: Mặc dù đã cứu vớt được 5.323 người, nhưng số người chết tính tới lúc đó là 737, số người chưa có tin tức là 2.033. Gần như những người chưa có tin tức này mãi mãi không có tin tức. Gần 2.800 sinh mạng, chủ yếu là ngư dân đang mùa sản xuất, đã bị bão cướp đi (trong đó, tổn thất nặng nề nhất là Cà Mau và Kiên Giang – với 1.790 người chết và mất tích). Ngành thủy sản thiệt hại nặng nề nhất, chiếm tới 38% tổng thiệt hại các ngành cộng lại. Tổng số tàu thuyền bị chìm, đánh tan và mất tích đến 3.675 chiếc, sau gần hai tháng mới trục vớt được 2.505 chiếc và tính đến lúc đó vẫn còn 1.170 chiếc chưa có tin tức.
Sự tổn thất lớn về người, tàu thuyền, về hệ thống nuôi trồng thủy sản trên diện rộng, không những gây nên sự giảm sút trầm trọng trong khai thác, nuôi trồng lúc đó mà còn kéo theo sự giảm sút của các ngành chế biến, dịch vụ và toàn ngành thủy sản mấy năm sau. Một sự xáo trộn trong nghề khai thác hải sản lớn đến mức sau nhiều năm còn để lại hậu quả. Chủ phương tiện mất tài sản. Người làm thuê mất chỗ làm việc. Mất hàng ngàn lao động đi biển lành nghề; có cả nhiều người quản lý giỏi, am hiểu ngư trường và người làm thuê chuyên nghề biển đến từ nhiều tỉnh. Sự thiếu trầm trọng về lao động đi biển nhiều năm sau cơn bão này đã là khó khăn lớn, nhất là khi có những phương tiện lớn hơn đi xa bờ sau này, có được từ Chương trình xa bờ và từ chủ trương khôi phục sản xuất sau bão.
Mỗi năm, nước ta phải hứng chịu 7 – 10 cơn bão. Hàng trăm cơn bão đã đi qua sau cơn bão Linda năm đó. Ngư dân nhiều lần oằn lưng chống chọi bão dữ trên những vùng biển xa. Sự mất mát, đau thương do thiên tai thì bao giờ và nơi nào cũng lớn, nhưng có thể gọi Linda là cơn bão thế kỷ, gọi như thế ít ra cũng ở nơi nó đã đi qua, ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại đây, 93 năm trước đó, năm Giáp Thìn 1904, theo truyền lại, một cơn bão lớn đã cướp đi 5 ngàn người dân trong vùng.
Qua thiên tai thấy rõ tình người, thấy rõ nỗ lực của bà con ta, kiên cường vượt qua khó khăn để sản xuất, để sống. Qua thiên tai cũng thấy sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và quản lý giúp dân và khôi phục sản xuất. Thật đáng khâm phục, những nghĩa cử cao đẹp đâu đâu cũng có. Hệ thống dự báo bây giờ tốt hơn, thông tin trên biển bây giờ hiện đại hơn 15 năm trước. Khắp dải ven biển đã hình thành nhiều nơi tránh trú bão. Quan trọng hơn cả, ta có nhiều kinh nghiệm hơn, trách nhiệm quy định rõ ràng hơn. Bảo đảm an toàn cho người, tàu cá, cũng như chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai được ghi là một trong những nguyên tắc cao nhất trong Luật Thủy sản năm 2003. Với những ưu việt đó, chúng ta hy vọng không bao giờ gặp lại sự đau thương và tổn thất nặng nề như thế, như hậu quả của bão Linda năm 1997.
Tuy nhiên, điều cao nhất là hãy gắng bằng mọi cách, cùng với nỗ lực nâng cao ý thức trách nhiệm trong mọi việc, để những yếu tố bất ngờ của bão không đánh bại những điều kiện và phương tiện chúng ta đang có.
Mười lăm năm, nghĩ lại một sự kiện thiên tai, chúng ta cùng thắp nén hương lòng, hứa với bà con ngư dân đã ra đi mãi mãi, rằng không để tái diễn thảm cảnh đau thương bão Linda năm đó và các cơn bão tương tự.