Ra mắt Hội nuôi cá nước lạnh Sa Pa

Chưa có đánh giá về bài viết

Chiều qua 31/10, Hội cá nước lạnh huyện Sa Pa đã tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2012 -2015.

Hội cá nước lạnh Sa Pa (CNLSP) là hội của những cơ sở, hộ cá thể, HTX nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện Sa Pa, Hội có sự bảo trợ, giúp đỡ của Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh, Viện nghiên cứu thủy sản I, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chịu sự quản lý trực tiếp của cấp ủy, chính quyền huyện Sa Pa.

 

Quang cảnh đại hội.

Theo báo cáo của Hội CNLSP, năm 2005, Viện nghiên cứu nuôi trổng thủy sản I, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chọn Sa Pa là nơi nuôi trồng thử nghiệm cá nước lạnh đầu tiên trên cả nước. Đến nay, mô hình nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh trên 14 tỉnh, trong đó Sa Pa là cái nôi ra đời của nghề nuôi cá nước lạnh. Năm 2006, phong trào nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện Sa Pa bắt đầu hình thành, đến nay trên địa bàn đã có 35 cơ sở nuôi cá nước lạnh, trong đó có 1 trung tâm nghiên cứu, 2 công ty TNHH và 33 cơ sở với vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.

Năm 2007, sản lượng cá nước lạnh trên địa bàn huyện đạt 40 tấn, năm 2011 con số này là 130 tấn, dự kiến năm 2012 đạt 135 tấn.

Những năm trước các cơ sở nuôi cá nước lạnh phải phụ thuộc hoàn toàn nguồn giống từ Trung tâm nghiên cứu cá nước lạnh huyện Sa Pa thì đến nay đã có một số cơ sở mạnh dạn sản xuất giống, trong đó HTX Can Hồ, xã Bản Khoang cung ứng mỗi năm 10-12 vạn cá giống, Công ty Thủy sản Thác Bạc cung ứng 20- 40 vạn cá giống.

Nguồn thức ăn nuôi cá giống hiện chủ yếu nhập từ các nước Châu Âu, số còn lại do các cơ sở trong nước sản xuất với tổng nhu cầu 250 tấn/năm

Sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa chủ yếu tiêu thụ tại địa bàn phục vụ khách du lịch và cung cấp cho các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng…

Theo Hội CNLSP, phát triển nuôi cá nước lạnh đã trở thành một nghề có tính đặc thù địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao và thúc đẩy ngành kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Đại hội đã thông qua danh sách 24 hội viên và thông qua phương hướng, nhiệm vụ của Hội CNLSP nhiệm kỳ 2012 – 2015, thông qua Nghị quyết Hội CNLSP.

Đại hội đã ra mắt Ban Chấp hành Hội CNLSP lần thứ I gồm 8 người, ông Lê Đức Luận, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa được bầu giữ chức Chủ tịch danh dự Hội CNLSP, ông Nguyễn Thanh Hải Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa được bầu giữ chức Chủ tịch Hội CNLSP, ông Đỗ Tiến Thắng Giám đốc Công ty Thiên Hà được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội CNLSP.

>> Điển hình nuôi cá nước lạnh

Vùng cao Sa Pa hiện nay không chỉ nổi tiếng bởi danh lam thắng cảnh đẹp đẽ, khí hậu mát lành mà còn được biết tới với đặc sản cá hồi, cá tầm. Mô hình nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa đang ngày một được nhân rộng, những cơ sở nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa đang gặt hái những thành công đáng kể. Ông Nguyễn Văn Luỹ (trong ảnh), thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang là một trong số điển hình như thế.

Từ năm 2006, sau một thời gian dài học hỏi kinh nghiệm nuôi cá hồi vân, ông Nguyễn Văn Luỹ đã quyết định đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá tầm và cá hồi vân trên diện tích 1.200m2.

Năm 2011, ông thu được 15 tấn cá, bán với giá 200.000/kg, tổng thu là 3 tỷ/năm. Ông Nguyễn Văn Luỹ cho biết: Nuôi cá nước lạnh cần có sự đầu tư về kinh tế rất lớn, phải “ăn với cá, ngủ với cá”, tránh ảnh hưởng của mưa lũ và đề phòng dịch bệnh tốt.

Năm 2009, ông Luỹ bắt đầu nhập trứng cá giống từ nước ngoài về ấp. Từ đó, trang trại của ông không chỉ có nguồn thu từ cá hồi, cá tầm thương phẩm mà còn là cá giống. Hiện mỗi năm ông Lũy xuất bán khoảng 15.000 – 20.000 con cá giống tới nhiều tỉnh, trong đó chủ yếu là một số tỉnh tại phía Nam. Mức lợi nhuận thu được của ông Lũy trong năm 2011 từ sản xuất cá nước lạnh là 3 tỷ đồng.

Hiện, trang trại cá nước lạnh của ông Lũy đã đưa vào hoạt động dưới mô hình hợp tác xã mà ông Lũy là chủ nhiệm với 6 xã viên, 1 kỹ sư chuyên ngành thủy sản và 7 lao động. Năm 2012, dự kiến sản lượng cá thương phẩm của hợp tác xã ước đạt khoảng 20 tấn.

Thêm nhiều sản phẩm từ cá nước lạnh

Nói tới thành công trong việc nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa không thể không kể đến Công ty Song Nhi, dưới sự quản lý trực tiếp của ông Giám đốc Trần Trung Hưng (ảnh bên).

Trò chuyện với Giám đốc Trần Trung Hưng, điều dễ nhận thấy là sự mộc mạc và lối trò chuyện cởi mở, chân thành trong anh. Chọn Sa Pa là nơi kinh doanh đã cho thấy một tầm nhìn xa của người lãnh đạo giỏi.

Công ty Song Nhi được thành lập từ năm 2008 với trang trại hơn 4.000m2 mặt nước nuôi cá hồi vân, tiếp đó là xưởng chế biến và Nhà hàng Song Nhi Sa Pa số I chuyên phục vụ các món ăn từ cá hồi và cá tầm được tại khu du lịch Thác Bạc và một nhà hàng Song Nhi Sa Pa số II tại xã Ô Quý Hồ. Những món ăn được yêu thích tại nhà hàng như lẩu cá hồi, thăn cá hồi nướng sốt mù tạt, cá hồi gỏi… Nhà hàng Song Nhi Sa Pa tại xã Ô Quý Hồ còn nằm giữa một vùng rau sạch, đem lại cho thực khách cảm giác an toàn và thư thái khi tới thực lãm sản phẩm rau sạch, cá hồi, cá tầm. Bởi vậy nhà hàng đã thu hút được lượng lớn khách du lịch lui tới.

Trại cá nước lạnh của Công ty Song Nhi mỗi năm thu trên 10 tấn cá với giá trị gần 2 tỷ đồng. Cá nước lạnh của Công ty vừa để phục vụ nhà hàng vừa đưa vào xưởng chế biến thành thương phẩm như cá hồi hun khói, ruốc cá hồi, trứng cá hồi muối hay lẩu cá tầm đóng gói, cá tầm hun khói…Đến nay, Công ty Song Nhi đang tạo thu nhập cho gần 30 lao động.

Tỷ phú cá tầm

Năm 2005, Trung tâm nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa, Viện nuôi trồng thủy sản I bắt đầu đi vào hoạt động. Tới năm 2006, nhận thấy tiềm năng của việc nuôi cá nước lạnh tại vùng cao Sa Pa là rất khả quan, ông Đỗ Tiến Thắng (trong ảnh), Gám đốc công ty TNHH Thiên Hà (Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá nước lạnh với sản phẩm chính là cá hồi vân. Tiên phong trong việc mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh, đến nay Công ty Thiên Hà đã trở thành một trong những mô hình nuôi cá nước lạnh lớn nhất tại huyện Sa Pa.

Hiện, Công ty TNHH Thiên Hà đang sản xuất cá nước lạnh trên diện tích 5.400m2 với 4 ao nuôi. Theo ông Đỗ Tiến Thắng, năm 2012 mô hình sản xuất của công ty cho thu hoạch khoảng 40 tấn cá tầm và 15 tấn cá hồi với doanh thu hàng tỷ đồng.

Mục tiêu hoạt động của Công ty Thiên Hà đến nay đã được mở rộng với Nhà hàng Hồng Long tại thành phố Lào Cai chuyên kinh doanh các mặt hàng cá nước lạnh với sản lượng tiêu thụ 20 tấn cá nước lạnh/năm. Công ty còn mở rộng hoạt động cung ứng sản phẩm cá nước lạnh tới các thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… và một số tỉnh, thành phố ở miền Nam. Từ mô hình này, Công ty đã tạo cơ hội việc làm cho hơn 10 lao động trực tiếp sản xuất cá nước lạnh.

Thời gian hoạt động chưa dài, nhưng ông Đỗ Tiến Thắng đã học hỏi và tích lũy nhiều kinh nghiệm để chủ động sản xuất cá nước lạnh mang thương hiệu Sa Pa.

                                                                                                              Phương Thảo

Cao Cường

Báo Lào Cai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!