(TSVN) – TS Nguyễn Viết Thùy, Viện Nghiên cứu NTTS III cho biết, thông qua Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất cung cấp giống cá tầm”, năm 2019, nhóm nghiên cứu của Viện đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất giống 3 loài cá tầm, chủ động việc cung cấp con giống có chất lượng cho nghề nuôi cá tầm ở nước ta.
Mặc dù đã hoàn thiện được quy trình sản xuất giống nhân tạo cá tầm ở Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu ở Việt Nam không phải là nơi cá tầm phân bố tự nhiên, do đó, việc tiến hành các nghiên cứu bài bản về sinh học sinh sản, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thành thục, dinh dưỡng và các biện pháp phòng trị bệnh cần được thực hiện.
Cá tầm giống. Ảnh: Nguyễn Hữu
Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá một cách bài bản về các chỉ tiêu sinh trưởng, tỷ lệ sống, khả năng thích ứng với môi trường, sức đề kháng và hiệu quả kinh tế giữa các mô hình nuôi cá tầm sử dụng nguồn giống sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu. Do đó, người nuôi vẫn chưa thực sự yên tâm khi sử dụng nguồn con giống sản xuất trong nước. Chính vì vậy, cần tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất giống và giá thành con giống cá tầm sản xuất trong nước so với nguồn nhập ngoại. Tiếp theo, đánh giá chất lượng và hiệu quả kinh tế con giống khi nuôi thương phẩm, qua đó có các biện pháp khuyến khích sử dụng nhằm giảm chi phí và gia tăng tính hiệu quả, bền vững của nghề nuôi cá tầm.
Theo thống kê của Cục Thú y, số lượng con giống cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) cho nhu cầu nuôi giai đoạn 2013 – 2020 từ 2 – 6 triệu con/năm. Trong khi đó một lượng lớn con giống được nhập từ nước ngoài dưới dạng trứng thụ tinh. Do đó, khi quy trình công nghệ sản xuất giống 3 loài cá tầm đã hoàn thiện, cần tăng cường chuyển giao công nghệ cho các đơn vị tiếp nhận để cung cấp con giống đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi cá tầm. Việc chủ động nguồn con giống không chỉ giúp giảm lượng ngoại tệ nhập khẩu mà còn chủ động được nguồn giống có chất lượng, thích ứng với điều kiện nuôi ở nước ta, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương, nhất là vùng cao nguyên vốn luôn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ cho các đơn vị tiếp nhận cần đảm bảo quy hoạch hợp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Đồng thời, do chi phí ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá tầm rất cao liên quan đến đầu tư hệ thống, trang thiết bị, cá bố mẹ, nhân lực và vận hành; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai, ứng dụng và sản xuất đại trà nhằm đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp phát triển đồng bộ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hậu cần nghề cá để hướng tới sự phát triển hiệu quả, bền vững.
Hải Băng